Việt Nam

Lão Tỵ – ‘Vua’ sáng kiến dẫn thủy nhập điền

Blog


Lão Tỵ lợi dụng thủy triều lên xuống, sáng tạo cách dẫn nước ngọt vào từng vườn cây, giúp nhiều hộ quanh vùng "bỏ túi" hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm...

Bắt nước chảy theo ý mình!

Trong những ngày khô khát này, đến xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, men theo mé sông Sài Gòn, mọi người sẽ nhìn thấy những vườn cây ăn quả xanh ngắt, trĩu quả mà không cần tới sự can thiệp của bất kỳ một thiết bị bơm tưới nào. Những con mương lớn, nhỏ tua tủa, thẳng tấp đầy ắp nước dẫn tới từng gốc cây ăn quả. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp nhà nông đang thu hoạch trái cây với vẻ mặt đầy hứng khởi vì được mùa.

Khi được hỏi về người có công đầu trong việc sáng kiến “dẫn thủy nhập điền” vào vườn cây ăn quả, người dân địa phương chỉ ngay đến nhà ông Nguyễn Văn Tỵ, ngụ Ấp Suối Cát. Điểm đáng quý ở ông Tỵ là không hề giấu nghề, khi áp dụng thành công cho gia đình mình, bà con trong xã tới học hỏi kinh nghiệm đều được ông tận tình hướng dẫn nên ông rất được bà con quý mến.

freSy with passion
Sáng kiến từ “dẫn thủy nhập điền” của lão Tỵ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tỵ kể, ông vốn sinh ra và lớn lên tại vùng Thạnh Lộc, Quận 12, nơi được mệnh danh thủ phủ lúa gạo của TP.HCM. Cả tuổi thơ của ông gắn liền với cách người dân nơi đây “dẫn thủy nhập điền” phục vụ cho việc đồng áng. Thành phố ngày càng phát triển, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, diện tích đất nông nghiệp càng thu hẹp, cuộc sống nhà nông càng khốn khó. Năm 2.000 ông quyết định rời phố đến huyện Dầu Tiếng lập nghiệp và vùng đất Thanh Tuyền ven sông Sài Gòn được ông chọn là quê hương thứ 2.

Ông Tỵ cho biết, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ nên ông chọn cây măng cụt để canh tác. Thế nhưng, cũng giống như các loài cây ăn quả khác, măng cụt đòi hỏi rất nhiều nước tưới, trong khi địa phương vẫn chưa có điện lưới quốc gia kéo về, để tưới cây trồng phải phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng máy dầu, vừa tốn chi phí trong khi hiệu quả không cao. Từ kinh nghiệm sẵn có ở quê, ông nảy sinh ý tưởng dẫn nước từ sông vào vườn, không ngờ hiệu quả ngoài mong đợi.

Ông Tỵ chia sẻ, chỉ cần một con mương chính có bề ngang chừng 1 mét, sâu 1-2 mét nối từ mé sông đến tận vườn cây ăn quả, tùy vào khoảng cách sẽ có sự điều chỉnh mương nước cho phù hợp. Tiếp đó, từng hàng cây ăn quả sẽ đào thêm những con mương phụ, khi thủy triều lên, nước từ sông sẽ men theo các con mương dẫn vào vườn và ngược lại. Ngoài ra, để điều tiết nước hợp lý, ông lắp đặt hệ thống ống đáy kết hợp van khóa, tùy vào thời vụ của vườn chỉ cần đóng hoặc mở van, nước sẽ được giữ lại hay xả ra.

freSy with passion
Các ống này giúp nhà nông chủ động tưới nước và bón phân mà không tốn công sức. Ảnh: Trần Trung.

“Đặc biệt, những con mương còn được tận dụng để bón phân cho cây trồng, theo đó, mỗi đợt bón phần chỉ cần xả hết nước từ mương ra, sau đó rải phân theo các con mương, phân sẽ tự ngấm xuống lòng đất, cây sẽ hấp thu tối đa lượng phân đã bón. Cách làm này đã giúp tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền vật tư, hàng trăm ngày công lao động”, ông Tỵ nói.

Theo ông Tỵ, nhờ vào sáng kiến của mình, vườn măng cụt của ông có năng suất vượt trội hơn các địa phương khác. Chỉ với 150 gốc măng cụt thế nhưng mỗi năm ông thu hoạch hơn 5 tấn, với giá trung bình 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tiền lãi thu về không dưới 200 triệu đồng.

Biến đất bạc thành vùng trái cây trù phú

Từ những thành công được khẳng định, nhiều năm liền ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, ông còn được bà con địa phương tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ liên kết trồng măng cụt.

Theo đó, tổ được thành lập vào năm 2010 với 16 tổ viên, tổng diện tích canh tác gần 20 ha. Từ cây trồng chỉ để “vui”, đến nay, dưới sự dẫn dắt của ông Tỵ, bà con đã đổi mới trong phương thức sản xuất, toàn bộ diện tích đất canh tác của bà con đã ứng dụng cách làm của ông. Nhờ vậy, nhiều hộ thu nhập từ hàng trăm đến cả tỷ đồng/năm.

freSy with passion
Những mương lớn dẫn nước tới chân vườn. Ảnh: Trần Trung.

Tổ viên Nguyễn Văn Bừa ngụ ấp Bưng Cồng, xã Thành Tuyền có 2 ha đất sát sông Sài Gòn. Trước đây anh chỉ canh tác lúa, mỗi năm làm 2 vụ thu nhập không đáng là bao, đến mùa giáp hạt phải chạy ăn từng bữa. Được sự tư vấn của ông Tỵ, 10 năm trước anh Bừa chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trên sang trồng măng cụt. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tổ hợp tác đặt ra, chỉ sau 4 năm trồng cây đã cho quả ngọt. Nhờ cây măng cụt mà anh Bừa đã có tiền cất nhà, chăm lo con cái ăn học, cuộc sống ngày một ổn định.

Anh Bừa cho biết, trong ký ức của nhiều nông dân ở đây, đất Thanh Tuyền “bạc” lắm, hồi đó vùng đất ven sông này chủ yếu là trồng lúa, đất gò thì trồng điều. Năng suất lúa, điều ở đây lúc đó rất thấp nên nhiều gia đình phải trồng thêm hoa màu để có cái ăn, cái mặc. Thế nhưng, từ cây măng cụt, những năm trở lại đây ai cũng khấm khá, có của ăn của để, công lớn là nhờ và sự tận tâm, tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Tỵ tổ trưởng tổ liên kết.

Sự kiện đặc biệt của măng cụt Dầu Tiếng

Dựa trên nền tảng tổ liên kết trồng măng cụt do ông Tỵ làm tổ trưởng, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”. Đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với nhà nông bởi sản phẩm họ bỏ công trồng trọt, chăm sóc đã được chứng nhận. Điều này khẳng định, măng cụt Dầu Tiếng không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp thuần túy mà còn được bảo vệ thương hiệu khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

freSy with passion
Vườn măng cụt xanh tốt của ông Tỵ cạnh sông Sài Gòn. Ảnh: Trần Trung.

Có thể nói, việc phát triển tài sản trí tuệ đối với măng cụt Dầu Tiếng không chỉ hứa hẹn nâng tầm trái măng cụt mà còn tạo bước đệm cho nhiều sản phẩm khác của tỉnh khẳng định thương hiệu của mình. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích từng địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau gìn giữ và phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng.

Đặc biệt, niềm vui tiếp tục đến với tổ liên kết trồng măng cụt nói riêng, chính quyền xã Thanh tuyền nói chung, UBND huyện Dầu Tiếng vừa tổ chức phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch. Theo đó, vùng đặc sản măng cụt của xã Thanh Tuyền sẽ mở rộng gấp 3 lần diện tích hiện tại lên 150 ha.

Với quyết tâm đồng hành phát triển cùng kinh tế địa phương, mong mỏi lớn nhất của lão nông Nguyễn Văn Tỵ là có thể cùng bà con trong xã đẩy mạnh phát triển loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao này, từng bước đưa Thanh Tuyền trở thành vùng chuyên canh cây măng cụt lớn ở khu vực Đông Nam bộ.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Bài viết khác

Tình yêu thương

đến từ khách hàng của freSy!

Nhận tin mới nhất