Cầu Ông Lãnh cũ bắc qua rạch Bến Nghé từ đường Bến Chương Dương (quận 1) đến đường Bến Vân Đồn (quận 4) đã được phá đi để xây cây cầu mới dài hơn, rộng hơn, đẹp hơn.
Cầu mới bắt đầu từ ngay nền chợ trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1), choàng qua đường Bến Chương Dương cũ - nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, bên này rạch Bến Nghé và phủ qua đường Bến Vân Đồn, chạy xuống gần tới đường Hoàng Diệu (quận 4). Cầu Ông Lãnh mới dài 256 m, là cây cầu dài nhất bắc qua rạch Bến Nghé. Còn ngôi chợ mang tên cầu, từ năm 2003 được dời lên Tam Bình (quận Thủ Đức) mang tên “chợ nông sản đầu mối Thủ Đức”.
Tên cầu, tên chợ
Khi nhắc tới cái tên chợ Cầu Ông Lãnh, chắc ai cũng biết chợ được lập sau cầu nên tên chợ mới đặt theo tên cầu. Cầu xây từ lúc nào chưa có tài liệu nào ghi chính xác nhưng theo học giả Trương Vĩnh Ký viết năm 1885 thì cây cầu gỗ bắc qua rạch Bến Nghé là do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, một tướng triều Nguyễn, trấn thủ đồn Cây Mai - Thủ Thiêm gần đó, cho bắc để tiện việc giao thông và phòng thủ chống quân Pháp tấn công vào Gia Định. Nhân dân kính trọng gọi là cầu Ông Lãnh chứ không dám gọi tên ông.
Sau khi lập chợ, người ta đào một con kênh từ rạch Bến Nghé vào tới chợ để ghe thuyền dễ dàng đưa hàng nông sản vào tận trong chợ, xuồng ghe dày đặc cả một khúc kênh và được chia bến như bến Mỹ Tho, bến Sóc Trăng, bến Long Xuyên… Bên kia kênh là những kho muối và mắm chở từ Bạc Liêu lên, từ Phan Thiết vào, chờ đưa qua Cao Miên bán. Muối, mắm chứa trong những căn nhà lá nằm dọc bờ rạch cùng chiếc cầu ván bắc từ ghe lên bờ để chuyển muối lên, gọi là cầu Muối. Sau này có lẽ do buôn muối gặp nhiều khó khăn, lái muối không buôn nữa, bỏ trống kho là các nhà lá, dân tứ xứ bèn chiếm cứ cư ngụ rồi cũng lập thành cái chợ bán mắm, muối, cá, tôm bên cầu ván, gọi là chợ Cầu Muối. Những phu vác hàng ở các bến đều có sự bảo kê của các tay giang hồ. Đã có không ít những cuộc đánh chém nhau giành quyền kiểm soát, bảo kê. Cụm từ “anh chị Cầu Muối”, “dân Cầu Muối” nổi tiếng khắp Sài Gòn lục tỉnh.
Suốt một thời gian dài, chợ Cầu Muối tồn tại song song với chợ Cầu Ông Lãnh hai bên kênh đào. Năm 1929, con kênh đào từ rạch vào chợ được lấp thành đường - nay là đường Nguyễn Thái Học để xây cầu Ông Lãnh bằng xi măng cốt thép, bấy giờ hai ngôi chợ Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối lại nằm cạnh nhau, đến nỗi nhiều người nhầm hai chợ là một. Năm 1971, chợ Cầu Ông Lãnh bị một trận cháy lớn, chính quyền huy động cả lực lượng cứu hỏa mà không chữa nổi, phải nhờ trực thăng Chinook khổng lồ của Mỹ đến hỗ trợ chữa lửa. Bấy giờ tôi đang ở nhà bà dì bên Khánh Hội, chạy ra Bến Vân Đồn chứng kiến cảnh chiếc trực thăng Chinook khổng lồ, loại chuyên cẩu xe tăng, xe tải cho quân đội Mỹ, đang cẩu chiếc thùng thật bự múc nước từ rạch bay vào thả xuống dập lửa đang bùng cháy dữ dội. Gian hàng bán đồ trang sức và mỹ phẩm rẻ tiền trong nhà lồng chợ của bà dì tôi thành tro bụi, sự nghiệp tan tành, bà khóc đến sưng cả mắt. Chứng kiến cảnh bà dì tôi cùng hàng trăm tiểu thương khác khóc lóc, than trời trách đất, mặt mày thất thần, tôi cũng muốn khóc theo! Đó là trận hỏa hoạn lớn nhất mà tôi chứng kiến trong đời. Cũng xin nói thêm, tuy là chợ đầu mối nông sản chuyên bán rau quả tươi nhưng trong nhà lồng chợ cũng có bán đủ các mặt hàng gia dụng, trang sức chủ yếu là vàng giả, mỹ phẩm rẻ tiền…
Năm 1999, chợ Cầu Ông Lãnh lại bị cháy một lần nữa, tôi đang đi công tác ở Cần Thơ, chỉ nghe đồng nghiệp gọi điện thoại kể lại. Đám cháy dữ dội, thiêu rụi nhiều gian hàng. Sau trận hỏa hoạn này, cùng lúc công tác giải phóng chợ để xây cầu Ông Lãnh mới, nhiều hộ kinh doanh thủy hải sản ở chợ Cầu Muối dời về chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền (Bình Chánh), một số nhỏ dời qua chợ cá Chánh Hưng (quận 8), chợ cá Hòa Bình (quận 5). Còn các hộ kinh doanh nông sản thì dời tạm về chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), chờ vài năm sau chuyển lên chợ đầu mối mới đang xây dựng rất hoành tráng ở Tam Bình (quận Thủ Đức).
Khi chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối dời đi, không chỉ các chủ vựa hay bà con tiểu thương chia tay chốn cũ ngậm ngùi, luyến nhớ khu chợ đã gắn bó với nhiều thế hệ mà còn là nỗi khốn đốn của những người lao động phụ việc vốn trước giờ sống bám vào chợ, làm bữa sáng lo bữa chiều. Nhiều gia đình nhiều đời sống bám vào chợ. Họ là mấy trăm xã viên hợp tác xã bốc xếp, mấy trăm người đẩy xe cút kít chuyển hàng trong chợ và cả ngàn người gọt củ, lặt rau, đóng hàng, dọn dẹp… phải thất nghiệp. Chỉ có một ít người theo các chủ vựa đến nơi buôn bán mới, số còn lại hầu hết phải xoay qua công việc khác, buôn bán vặt mưu sinh…
Cầu còn đây mà chợ đã bị xóa tên
Chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối tuy đã không còn hiện hữu nhưng trong ký ức của người Sài Gòn, nhất là những cư dân sống quanh vùng cầu và chợ, hình ảnh những hoạt động, mua bán rộn rịp suốt ngày đêm của ngôi chợ tuổi đời hơn trăm năm như vẫn còn thấp thoáng đâu đây. Một vài gian hàng rau trái lèo tèo bên lề nhánh đường rẽ từ đại lộ Võ Văn Kiệt lên đường Nguyễn Thái Học và ngược lại phía nhánh rẽ bên kia, từ đường Nguyễn Thái Học xuống đường Võ Văn Kiệt, bên chân cầu là mấy mẹt hải sản cá, tôm, mắm, muối. Tất cả như còn lưu luyến và tưởng niệm hai ngôi chợ nổi tiếng một thời.
Việc di dời chợ Cầu Ông Lãnh lên Thủ Đức, dời chợ Cầu Muối xuống chợ đầu mối Bình Điền là hợp lý cả cho việc mở rộng giao thương và giao thông, cũng như tạo được cảnh quan vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch đẹp cho thành phố. Nhưng nhiều người vẫn thấy tiếc nhớ ngậm ngùi mỗi khi có dịp qua đây. Cầu còn đây, khang trang, to đẹp hơn mà chợ đã bị xóa tên rồi. Chợ mang tên cầu. Chợ bên cầu như một cặp đôi nhưng duyên trăm năm có lẽ giờ chỉ còn mỗi cầu thôi. Cầu đứng nghênh ngang, ngạo nghễ nhìn xuống dòng kênh Bến Nghé được nạo vét trong xanh, hai con đường tuyệt đẹp chạy hai bên bờ kênh dưới chân cầu hình như đang ngước nhìn cầu trách móc đã phụ bạc ngôi chợ một thời vang bóng. Cả “em chợ lẻ” Cầu Muối cũng rất đáng yêu với mùi tôm, cá, mắm giờ cũng không còn! Nhưng vẫn như nghe tiếng gọi nhau ơi ới của những người đẩy xe cút kít, của những phu bốc xếp. Và tiếng la hét gây gổ, đâm chém nhau để giành mối bảo kê của dân anh chị Cầu Muối ngày xưa.
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng sinh năm 1798 tại Giồng Trôm (Bến Tre), tử trận tại Gò Công năm 1866. Do là người có công cho làm cầu qua rạch Bến Nghé nên khi ông mất được tôn thành hoàng và được thờ ở đình Nhơn Hòa trên đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1). Học giả Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học uy tín, lại sống vào thời đó nên những điều ông viết rất đáng tin cậy. Thế nhưng báo Tri Tân xuất bản tháng 6-1942 có đăng một bài viết của ký giả Phong Vũ - Trần Văn Hai cho rằng sau khi mất toàn bộ lục tỉnh, Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp. Năm 1874, vua Tự Đức đã cử Nguyễn Thành Ý vào mở lãnh sự quán tại Sài Gòn. Ông lãnh sự đi xe song mã, thường đậu ở bờ rạch Bến Nghé cạnh cây cầu gỗ bắc qua rạch Bến Nghé nên bà con gọi cầu này là cầu Ông Lãnh (?). Giả thiết này không thuyết phục bởi ngôi chợ mang tên chợ Cầu Ông Lãnh đã được lập từ năm 1874, cùng năm ông Nguyễn Thành Ý mới vào Sài Gòn lập lãnh sự quán, mà cây cầu gỗ mang tên Ông Lãnh đã có từ trước đó.