Thức khuya sau đó ngủ bù cho đủ 8 tiếng là thói quen phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, điều này có thể làm đảo lộn nhịp sinh học và gây hại sức khỏe.
Chúng ta đều biết lợi ích của giấc ngủ 7-8 tiếng không bị gián đoạn. Nó có thể duy trì khả năng miễn dịch, cân nặng cũng như giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Thường xuyên ngủ đủ 7 tiếng trở lên với chất lượng tốt cũng có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bạn. Bạn có thể suy nghĩ rõ ràng hơn và đưa ra quyết định đúng đắn nếu cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ.
Tuy nhiên, rất nhiều người ngủ muộn vào ban đêm, khoảng 2-3h sáng nhưng vẫn ngủ đủ 8 tiếng không bị gián đoạn. Vậy điều này có phát huy lợi ích của việc ngủ đủ giấc hay không?
Nhịp sinh học là chu kỳ 24 giờ định kỳ xảy ra ở mọi loài trên Trái Đất. Trong chu kỳ này, một sinh vật sống có mức năng lượng cao hơn hoặc thấp hơn và các hành vi khác nhau, tùy thuộc vào thời gian trong ngày.
Thông thường, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ vào ban đêm so với ban ngày do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường. Melatonin, loại hormone ngủ, được sản xuất tự nhiên vào cuối buổi tối, nhưng thời gian sản xuất ra nó rất khác nhau giữa các cá nhân.
Ví dụ, thanh thiếu niên phát triển nhịp sinh học muộn hơn so với trẻ em hoặc người lớn. Điều này có nghĩa là họ ít có khả năng hoạt động tốt nếu phải dậy sớm để đi học. Giống hầu hết thanh thiếu niên, một số người trưởng thành có đồng hồ sinh học cố định đòi hỏi thời gian ngủ và thức muộn hơn.
Bên cạnh nguyên nhân sinh học khiến một số người ngủ muộn, còn có những yếu tố môi trường cũng có thể ảnh hưởng. Nhiều người hiện nay quen với tác động của ánh sáng nhân tạo từ các thiết bị kỹ thuật, khiến melatonin được sản xuất muộn hơn.
Theo Healthline, một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ kém như việc sống ở thành phố. Tiếng ồn giao thông làm tăng cortisol vào đêm khuya, điều này có thể khiến bạn tỉnh táo và không khí ô nhiễm được chứng minh là làm giảm thời lượng giấc ngủ.
Theo India Times, trên trang cá nhân của mình, chuyên gia dinh dưỡng Neha Ranglani, huấn luyện viên sức khỏe ở Mumbai, Ấn Độ, đưa ra lời giải thích tại sao ngủ đủ giấc nhưng không đúng giờ vẫn không có tác dụng tốt cho sức khỏe. "Những người ngủ muộn và dậy muộn nghĩ rằng họ đã ngủ đủ 7-8 tiếng nên vẫn khỏe mạnh. Nhưng thực ra đó không phải là cách cơ thể chúng ta hoạt động", chuyên gia Neha nói.
Cơ thể chúng ta cần ngủ đúng giờ vì khi ngủ sớm và thức dậy sớm, cơ thể có thể thực hiện đúng công việc giải độc và sửa chữa, tái tạo chức năng. Điều quan trọng là phải ngủ và thức dậy theo thời gian chuẩn của đồng hồ sinh học trong cơ thể. Đồng hồ này vốn điều chỉnh quá trình giải độc và sửa chữa, được đồng bộ hóa với mô hình ánh sáng ban ngày nơi từng người sinh sống.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, gan của con người có thể thải độc tốt nhất trong khoảng thời gian 1-3h sáng. Vì vậy, bạn nên đi ngủ trước nửa đêm để gan có thể thực hiện chức năng thanh lọc. Tương tự, phổi giải độc hiệu quả nhất trong khoảng thời gian 3-5h sáng. Phổi khỏe mạnh là điều cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc như chất gây dị ứng, chất ô nhiễm và khói thuốc. Vì vậy, bạn nên đi vào giấc ngủ sâu trước 3h sáng mỗi đêm.
"Khi bạn ngủ muộn, rất nhiều cơ quan trong cơ thể bỏ lỡ cơ hội giải độc và sửa chữa vì mỗi cơ quan đều có thời gian riêng để thực hiện công việc làm sạch vào ban đêm, khi chúng ta đang ngủ. Vì vậy, ngủ vào lúc 3h khiến bạn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phục hồi mà cơ thể đáng lẽ có thể làm được", chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.
Yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến những người ngủ muộn là hiện tượng "lệch múi giờ xã hội". Tình trạng này khiến cơ thể làm việc ngược với đồng hồ sinh học và bỏ lỡ giấc ngủ chất lượng. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe bao gồm hệ thống miễn dịch thấp hơn, huyết áp cao và nguy cơ mắc bệnh tim.
Nguyên tắc được khoa học ủng hộ là đặt mục tiêu duy trì thói quen vào ban đêm. Đi ngủ và thức dậy cùng một lúc được chứng minh là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe của chúng ta. Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, bạn nên đặt báo thức từ 30 phút đến một giờ trước khi đi ngủ để nhắc việc giảm ánh sáng, tắt thiết bị điện tử và tìm hoạt động thư giãn cơ thể.
Ngoài ra, tối ưu hóa môi trường phòng ngủ cũng giúp giấc ngủ có chất lượng tốt. Giữ nhiệt độ dễ chịu để ngủ (khoảng 18,3 độ C), chặn mọi ánh sáng hoặc tiếng ồn có thể khiến bạn tỉnh táo và cân nhắc thay nệm, gối hoặc ga trải giường nếu chúng cũ hoặc không thoải mái.
Tổng hợp từ Internet.