Việt Nam

[Bản Đồ Tâm Linh] Hành Trình Đến Với 10 Ngôi Chùa Linh Thiêng Nơi Cố Đô Tĩnh Mịch

Blog


Giữa dòng sông Hương mênh mông và bóng dáng kinh thành cổ kính, Thành phố Huế hiện lên như một xứ sở thanh tịnh, nơi mỗi mái chùa vút cong đều lưu giữ sợi dây lịch sử và tâm linh hàng nghìn năm. Từ ngọn tháp Thiên Mụ soi bóng xuống dòng sông êm đềm, đến những hành lang rêu phong tại chùa Báo Quốc... mỗi ngôi chùa nơi đây là một khúc hòa ca của kiến trúc, huyền thoại, lịch sử dân tộc và lễ nghi Phật giáo độc đáo. Hãy cùng freSy bước qua cổng tam quan, lắng nghe tiếng chuông vang vọng giữa làn gió heo may và khám phá 10 ngôi chùa nổi tiếng nhất xứ Huế — nơi linh hồn Việt tìm thấy sự bình yên và nguồn cảm hứng bất tận.

freSy with passion

1. Chùa Thiên Mụ

Giới thiệu

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

freSy with passion

Lịch sử

Trước thời điểm khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".

Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng.

Dưới thời chúa Quốc - Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2m60, rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.

Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.

Năm 1844, nhân dịp mừng lễ "bát thọ" của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.

Theo dấu thời gian, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc trùng tu năm 1710, dưới triều đại của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông đã hoàn thiện và thay đổi nhiều kiến trúc chùa Thiên Mụ Huế. Đặc biệt, một quả Đại Hồng Chung nặng hơn 2 tấn đã được đúc mới và đặt tại ngay điện Đại Hùng. Cho đến nay, chùa vẫn xứng danh là “Đệ Nhất Cổ Tự”, không chỉ là chốn tâm linh đơn thuần mà còn là thắng cảnh đẹp cố đô.

Tên gọi

Dựa theo huyền thoại, đồng thời căn cứ hình dạng Hán tự từng ghi trên bao tài liệu cấu tạo bằng nhiều chất liệu, đủ khẳng định rằng trong tên Thiên Mụ, ngữ tố "Thiên" có nghĩa là "Trời".

Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ" (hay "Bà mụ linh thiêng").

Vấn đề kiêng cữ như đã nêu chỉ diễn tiến từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869). Sau đó, người dân thoải mái gọi hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.

Vì rằng từ "Linh" đồng nghĩa với "Thiêng", âm người Huế khi nói "Thiên" nghe tựa "Thiêng" nên khi người Huế nói "Linh Mụ", "Thiên Mụ" hay "Thiêng Mụ" thì người nghe đều hiểu là muốn nhắc đến ngôi chùa này.

Một số người còn đặt tên cho chùa là Tiên Mụ (hay "Bà mụ thần tiên"). Cách gọi này không được giới nghiên cứu chấp nhận.

Tháp Phước Duyên

freSy with passion

Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo. Pháp luân đặt trên đình Hương Nguyện quay khi gió thổi).

Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích). Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa. Hai bên tháp có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Chùa Thiên Mụ được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ Thiên Mụ Chung Thanh do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa.

Cao cương cổ sát trấn điền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.
Thiên Mụ Chung Thanh

Dịch thơ:

Trên bến gò xưa chùa lập ra
Bên trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước
Nhân quả ươm lành khắp chốn xa.
Tiếng Chuông Thiên Mụ

Qua nhiều đợt tu sửa lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay những hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu những thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.

Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời. Như nhà thơ Quách Tấn đã mô tả một hình ảnh rất chân thực về việc đến chùa Thiên Mụ để tìm sự an ủi khi tâm trạng phiền não vì những chuyện danh lợi của đời thường.

Những người phiền não trường danh lợi
Đến đó thời lòng cũng phải khuây.
Nhà thơ Quách Tấn (1867-1925)

Chùa Thiên Mụ như một chứng nhân lịch sử diễn ra trên đôi bờ sông Hương. Ngôi chùa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người dân Huế nói riêng và đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung. Mặc dù không có nhiều tượng Phật như các chùa khác nhưng nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: Hương Hòa, Huế, Thành phố Huế, Việt Nam

freSy with passion

2. Chùa Từ Đàm

Giới thiệu

Chùa Từ Đàm Huế là một trong những ngôi chùa danh tiếng, có địa chỉ tại phường Trường An, Tp. Huế. Ngôi cổ tự này tọa lạc trên một mảnh đất bằng phẳng, xung quanh là ngọn núi Kim Phụng cùng rất nhiều ngôi chùa và nhà thờ nổi tiếng khác.

freSy with passion

Lịch sử

Chùa do Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ XVII, và sau đó được đặt tên là chùa Ấn Tôn (印宗寺, hay Tông), với ý nghĩa là "lấy sự truyền tâm làm tông chỉ".

(Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung (? - ?), là người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 34, đi theo Thiền sư Nguyên Thiều sang hoằng hóa ở Đàng Trong (HT. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, 1992, tr. 442)

Năm 1702, nhà sư Liễu Quán (về sau cũng là một cao tăng) đến chùa, xin tham học với Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung.

Năm 1703, Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung cho trùng tu chùa. Cũng trong năm này, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển Sắc Tứ Ấn Tôn Tự. Sau khi Sư viên tịch, theo lời phó chúc, học trò của Sư là Thiền sư Thiệt Vinh - Bửu Hạnh làm Trụ trì chùa.

Năm 1802, nhà Tây Sơn bị đánh đổ. Khi ấy, vì thời gian và vì chiến tranh, chùa Ấn Tôn bị hư hại nặng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng. Tuy nhiên, mãi đến năm Gia Long thứ XII (1813), Thiền sư Đạo Trung - Trọng Nghĩa mới có thể tổ chức trùng tu chùa.

Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên chùa Ấn Tôn thành Từ Đàm-慈曇寺 (do kỵ húy tên vua là Miên Tông), với ý nghĩa là "đám mây lành của Phật pháp".

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), nhà vua cho mở đường lên đàn Nam Giao. Vì đường này đi xuyên qua khuôn viên chùa Từ Đàm, nên vua ban lệnh cho Trụ trì là Thiền sư Thanh Hiệp - Tường Vân dời 5 bảo tháp chứa di cốt của chư Tổ sang khuôn viên chùa Báo Quốc ở gần đó. Có lẽ nhân dịp này, vị Trụ trì ấy lại cho trùng tu chùa.

Từ những năm 1920 trở về sau, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được phát triển ở cả ba miền. Trong quãng thời gian ấy, chùa Từ Đàm là trung tâm của phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ.

Năm 1932, An Nam Phật học hội (sau đổi lại là Hội Phật học Trung Việt) thành lập tại Huế... Đến năm 1936, chư sơn môn phái Lâm Tế đồng thuận giao chùa Từ Đàm cho hội ấy để làm nơi thờ phụng và làm trụ sở của hội.

Ngày 18 tháng 12 năm 1938, Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên cho đại trùng tu chùa Từ Đàm, đồng thời cho đúc pho tượng Phật Thích Ca cùng các pháp khí để tôn trí trong chánh điện, đến năm 1940 thì hoàn tất. Các hạng mục khác như giảng đường, nhà tăng và một số nhà làm việc của Tỉnh hội cũng được xây dựng trong quãng thời gian ấy.

Năm 1943, Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời; đến năm 1951, đổi thành Gia đình Phật tử, và đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm.

Năm 1951, Đại hội thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã diễn ra tại chùa.

Năm 1951, Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Việt Nam (gồm 51 đại biểu của 6 tập đoàn Tăng già và cư sĩ ở ba miền) cũng đã tổ chức tại đây. Khi đó, Hội cũng đã phê chuẩn việc Hòa thượng Tố Liên thay mặt Hội ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới.

Vào những năm 1960, chùa Từ Đàm là trung tâm của các hoạt động đấu tranh chống lại chính sách tôn giáo dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hiện nay, tại chùa có đặt Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo thành phố Huế.

Ý nghĩa tên gọi của chùa Từ Đàm

Khi tạo dựng chùa, Hòa thượng Minh Hoằng đặt tên chùa là Ấn Tôn. Cái tên này có ý nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tôn chỉ của chùa. Đến thời vua Thiệu Trị năm 1841, chùa được trùng tu và đổi tên thành Từ Đàm với ý nghĩa tốt đẹp là mây lành.

Hiểu một cách sâu xa hơn, tên chùa có nghĩa là Đức Phật giống như áng mây lành che chở cho nhân gian - đúng như triết lý của nhà Phật là mang đến phước lành, phổ độ chúng sinh, khai sáng trí tuệ và tâm hồn cho nhân gian.

freSy with passion

Điểm đặc biệt

Ban đầu, chùa Từ Đàm chỉ là tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá, sau nhiều lần trùng tu mới có diện mạo như ngày nay.

Cổng tam quan được xây dựng năm 1965. Bên phải sân (từ cổng nhìn vào) là cội bồ đề có nguồn từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ (tức nơi Phật Thích Ca thành đạo).

(Theo "Sơ lược vài nét về Chùa Từ Đàm - Huế", thì nhà sư Mahinda (nguyên thái tử, con vua A Dục) đã đem giống từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ sang trồng tại Sri Lanka (Tích Lan) khi qua truyền đạo tại đây vào thế kỷ 3 trước CN. Sau đó, Trưởng lão Narada (người Tích Lan) lấy giống từ cây bồ đề ấy tặng cho Hội Phật học Trung phần và trồng tại đây trong dịp sang thăm Huế năm 1939. Cùng đi với vị Trưởng lão ấy có bà Karpelès trong phái đoàn Phật giáo của Campuchia.)

Ngôi chính điện chùa cũ gồm ba gian, lợp ngói, rộng 7,4m, dài 18m và mặt tiền ngó về hướng Đông Nam. Đến ngày 4 tháng 7 năm 2006, chùa đã tổ chức tái thiết ngôi chánh điện và khánh thành vào sáng ngày 30 tháng 3 năm 2010. Công trình mới có chiều dài 42m, chiều ngang 35,9m, gồm hai phần (dưới là tầng hầm làm hội trường, trên là ngôi chánh điện), được kiến trúc theo mô hình trùng thiềm điệp ốc, gồm ba gian hai chái và hai bên có lầu chuông, lầu trống. Đây là kiểu kiến trúc truyền thống của các chùa tại Huế. Sau đó, Đại lễ An vị Phật đã được tổ chức trọng thể vào ngày rằm tháng 11 năm Đinh Hợi (24 tháng 12 năm 2007).

Phía bên phải chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Trước nhà khách là một vườn hoa nhỏ. Ở giữa vườn có tượng bán thân (bằng thạch cao trắng) của cư sĩ Tâm Minh, là người có nhiều công lao với chùa, với phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo tại miền Trung Việt Nam.

Điện Phật trong chính điện được bài trí tôn nghiêm, nhưng đơn giản. Chính giữa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát là Văn Thù và Phổ Hiền. Phía trên chánh điện có treo tấm biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ Hán: "Ấn Tông Tự". Hai bên tấm biển này là cặp câu đối cũng sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, ở ngoài hiên chùa còn có cặp đối của nhà yêu nước Phan Bội Châu và của cư sĩ Tâm Minh (bác sĩ Lê Đình Thám).

Chuông chùa Từ Đàm được đúc vào thời Gia Long, ngày 23 tháng 4 năm Quý Dậu (1813), đề 4 chữ Ấn Tôn Tự Chung, nặng gần 416 cân, khoảng 300kg, hiện nay được bảo lưu tại chùa Từ Đàm. 2. Nhân dịp trùng tu chùa, vào ngày 26 tháng 7 năm Đinh Hợi (2007) chùa Từ Đàm đúc quả chuông khác, đề 4 chữ Từ Đàm Tự Chung, nặng 1500kg, tôn trí ở lầu chuông của chùa và hiện đang sử dụng.

Vinh danh:

Trải qua hơn 300 năm lịch sử, chùa Từ Đàm đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, chùa là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Huế.

Từ lâu, chùa Từ Đàm đã đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân xứ Huế. Hàng năm, tại chùa diễn ra rất nhiều ngày lễ, nổi bật nhất là lễ Phật đản 15/4 âm lịch.

Kiến trúc của chùa Từ Đàm Huế theo lối cổ kính, đơn giản, nằm trong khuôn viên có diện tích rộng, thoáng đãng. Tới thăm chùa Từ Đàm Huế, du khách cảm thấy tâm mình được an lạc, bước chân vào cổng chùa là những hàng cây xanh rợp bóng mát. Không khí tại chùa trong lành, mát mẻ khiến bao muộn phiền, ưu tư được rũ bỏ.

Chùa Từ Đàm là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của Huế. Chùa là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc Phật giáo. Chùa cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Huế.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: 1 Sư Liễu Quán, Trường An, Huế, Thành phố Huế, Việt Nam

freSy with passion

3. Chùa Diệu Đế

Giới thiệu

Chùa Diệu Đế (妙諦寺) toạ lạc bên bờ sông Hộ Thành, người Huế gọi là sông Gia Hội hoặc sông Đông Ba, nay là số 100B đường Bạch Đằng, gần cầu Gia Hội. Chùa Diệu Đế cùng với chùa Thiên Mụ và chùa Thánh Duyên là ba ngôi quốc tự của nhà Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay.

Chùa Diệu Đế đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo ở Huế. Hiện tại, nơi đây đang lưu giữ bức tranh 9 con rồng ẩn hiện trong mây lớn nhất Việt Nam cùng kiến trúc độc đáo, thu hút rất đông khách du lịch mỗi năm.

freSy with passion

Lịch sử

Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị, nơi nhà vua Thiệu Trị ra đời năm 1807. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nhà vua cho xây dựng chùa với quy mô đồ sộ trên nền phủ đệ cũ, và sắc phong làm Quốc Tự.

Tháng 5/1885, kinh thành bị thất thủ, quân Pháp chiếm đóng một số địa điểm quan trọng của triều đình. Tháng 6/1885, vua Hàm Nghi cho triệt giải chùa Giác Hoàng trong Kinh Thành và chuyển các tượng Phật ra thờ tại chùa Diệu Đế. Nhưng sau đó kinh đô thất thủ, phủ đường Thừa Thiên bị Pháp chiếm đóng, triều đình Đồng Khánh sử dụng Trí Tuệ Tinh Xá làm phủ đường của phủ Thừa Thiên, Cát Tường Từ Thất làm sở đúc tiền, hai nhà Tả, Hữu tăng phòng được dùng làm trụ sở cho Khâm Thiên Giám và nhà lao của phủ Thừa Thiên.

Năm 1887, đa số các dãy nhà của chùa bị triệt hạ. Còn lại Đại Giác điện, Chung lâu, Đạo Nguyên các, cổ lâu, trung đình và tam quan lâu còn giữ lại. Năm 1889, vua Thành Thái ban cho Hòa thượng Thanh Minh - Tâm Truyền 3000 quan tiền để trùng tu chùa Diệu Đế, tuy nhiên vẫn không thể khôi phục lại quy mô như cũ.

Năm 1904, một cơn bão lớn đã làm sụp đổ một số điện thờ. Đến năm 1910, gác Đạo Nguyên do bị hư hỏng nặng nên phải triệt hạ, chỉ còn hại cổ lâu và chung lâu.

Năm 1930, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, chùa Diệu Đế được dùng làm trụ sở của Hội Phật học An Nam.

Đến năm 1953, Hòa thượng Diệu Hoằng đã trùng tu lại chùa dưới sự giúp sức của bà Từ Cung và các Phật tử. Chùa Diệu Đế khi ấy có quy mô được thu gọn như ngày nay.

Năm 2018, Quốc tự Diệu Đế được khởi công đại trùng tu. Toàn bộ phần chánh điện cũ có từ năm 1953 được giữ lại nguyên vẹn.

Điểm đặc biệt

freSy with passion

Ban đầu vào thời vua Thiệu Trị, chùa Diệu Đế có kiến trúc đặc biệt: một vòng thành lớn bao quanh chùa, có 4 cửa tượng trưng cho Tứ đế được bố trí đối xứng. Từ cổng Tam Quan đi vào sẽ thấy bi đình và chung đình ở hai bên sân. Tiếp đó là Đạo Nguyên các ở giữa, hai bên là phòng Trí Tuệ và nhà Cát Tường. Đi qua bức tường có 3 cửa vào sẽ là điện Đại Giác ở giữa, bên cạnh sẽ là tăng giá, nhà trù…

Kiến trúc này của chùa Diệu Đế có nét khác biệt so với đa số ngôi chùa ở Huế. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm, biến cố thì chùa Diệu Đế ngày nay đã có những thay đổi hẳn so với nguyên tác.

Điện Đại Giác được cải biến với mặt tiền đường phía trước, bên trái là chung lâu, bên phải là cổ lâu. Trên các nóc nhà có bày lưỡng long triều nguyệt, nét kiến trúc này ảnh hưởng từ chùa Hội quán Từ Đàm. Ở cửa chính giữa treo bức hoành Diệu Đế Quốc Tự từ năm 1844. Bên trong nội điện có bốn cột lớn bằng xi măng cốt sắt được trang trí mây rồng ẩn hiện rất điệu nghệ. Khoảng sân của chùa rất rộng rãi, quanh năm rợp bóng cây, mang lại không khí trong lành, mát mẻ, thanh tịnh, khác hẳn với thế giới bên ngoài.

Chùa Diệu Đế ra đời gắn liền với nơi ở của Hoàng gia nên nơi đây được trang trí đậm nét vương giả. Ghé thăm chùa, tham quan, vãn cảnh và lắng nghe tiếng chuông chùa Diệu Đế, du khách giống như lạc vào chốn thiên đàng trên cõi trần vương quốc.

Vinh danh:

Chùa Diệu Đế là một danh lam tiêu biểu của Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ sở Thiền kinh. Hàng năm, Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa trong mùa Phật đản. Điểm đặc biệt ở đây là ngôi chùa này mang nhiều đặc trưng yếu tố cung đình, gắn liền với vua Thiệu Trị, vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn.

Kể từ khi ra đời cho đến năm 1945, chùa Diệu Đế được triều Nguyễn xếp vào hàng Quốc tự (cùng với các chùa Giác Hoàng, Thiên Mụ và Thánh Duyên). Cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động lịch sử, chùa vẫn giữ được nhiều pháp bảo quan trọng. Đặc biệt, tại trần của điện Đại Giác vẫn còn bảo tồn được bức tranh “Long vân khế hội”, tương truyền do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thực hiện.

Chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi Quốc tự còn tồn tại cho đến nay với lối kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn cùng nhiều hạng mục có giá trị lịch sử - văn hóa cao.

Chùa Diệu Đế không chỉ là một ngôi chùa đơn thuần, mà còn là một kho báu tinh hoa của xứ sở Huế, với những giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa vô cùng đặc sắc. Từ nguồn gốc gắn liền với triều đại Nguyễn, đến những nét kiến trúc độc đáo và các lễ hội truyền thống, chùa Diệu Đế đã trở thành một biểu tượng văn hóa không thể tách rời của Huế.

Mặc dù đã trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng với những nỗ lực bảo tồn và tái tạo, chùa Diệu Đế vẫn giữ được những giá trị tinh hoa, khiến nó trở thành một điểm đến văn hóa tâm linh đầy ấn tượng cho du khách khi đến Huế. Đây chính là một viên ngọc quý của xứ sở Thiền kinh, xứng đáng được bảo vệ và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: số 100B Bạch Đằng, Phường Phú Cát, Thành phố Huế, Việt Nam

Số điện thoại: 0935535514

freSy with passion

4. Chùa Báo Quốc

Giới thiệu

Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long trên đất xưa gọi là làng Thụy Lôi, gần với xóm Lịch Đợi. Từ đây nhìn xuống hướng đông là đường Điện Biên Phủ (con đường dẫn lên đàn Nam Giao) và nhìn về hướng bắc là ga xe lửa.

freSy with passion

Lịch sử

Chùa do Hoà Thượng Giác Phong, người Quảng Đông, Trung Quốc, khai sơn vào cuối thế kỷ 17 dưới đời vua Lê Dụ Tông và đặt tên là Hàm Long Tự. Sau đó Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ Báo Quốc Tự vào năm 1747. Hiện vẫn còn tấm biển vàng thếp vàng và những bức liễu từ thời ấy. Thời Tây Sơn chùa bị sử dụng làm công xưởng.

Năm 1808 để báo hiếu mẹ là Hiếu Khương Hoàng Thái Hậu, vua Gia Long trùng tu chùa, xây tam quan và đúc một đại hồng chung nặng 826 cân ta, cao 1,4m, đường kính 1,2m nay vẫn còn. Vua đặt tên là Thiên Thọ Tự, nhưng về sau vì lăng Gia Long cũng gọi là Thiên Thọ lăng nên vua Minh Mạng đổi lại tên như cũ. Vua Minh Mạng trùng tu chùa vào năm 1824 và vua Tự Đức góp phần tôn tạo vào năm 1858. Khu mộ tháp có tháp tổ Giác Phong và và các vị kế thế như Phổ Tịnh, Viên Giác, Diệu Giác.

Năm 1948 An Nam Phật Học Hội dời Sơn Môn Phật Học Đuờng từ chùa Linh Quang đến đây do Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết, sau này trở thành Tăng Thống Giáo hội, làm Giám Đốc và Báo Quốc đã trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài. Người tiếp nối sự nghiệp giáo dục tăng ni và làm trụ trì chùa Báo Quốc là Hoà Thượng Thích Trí Phủ. Hoà Thượng cũng là người lập ra trường Bồ Đề ở thành nội năm 1952 mà về sau phát triển thành một hệ thống trường Bồ Đề khắp các tỉnh ở miền trung và miền Nam trước năm 1975. Ngày nay chùa Báo Quốc là nơi đặt trường Trung cấp Phật Học Huế. Chùa còn giữ được Hàm Long Sơn Chí, một tác phẩm của Điềm Tịnh cư sĩ bằng chữ Hán ghi lại lịch sử phát triển của Phật Giáo Thuận Hoá.

Điểm đặc biệt

Chùa Báo Quốc được xây dựng kiểu chữ “khẩu” với mặt trước là ngôi chánh điện, phía sau ngôi chánh điện hai bên có hai dãy nhà là nhà khách và tăng xá, sau cùng là nhà hậu. Các dãy nhà khép kín thành hình vuông trông giống chữ “khẩu” trong chữ Hán. Ngay sau Cổng Tam Quan là sân rộng với những tán cây xanh rợp bóng tạo cảm giác thư thái, thanh tịnh . Không gian ở giữa là vườn cây cảnh. Kiểu kiến trúc này đã tạo ra một không gian yên tĩnh, thoáng mát, có được ánh sáng lẫn hương vị hoa trái đến các dãy nhà.

Ngôi chánh điện của Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc trùng lương trùng thiềm, là kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam có ba gian hai chái với những nét trang trí rất công phu, các trụ cột, bên vách tường đều có hoa văn bằng mảnh sành hay những họa tiết hình rồng. Các tượng Phật được thờ trong chính điện đều đặt trang nghiêm trong khung kính. Án giữa thờ tượng Phật Tam Thế, đức Phật Thích Ca và hai tôn giả Ca Diếp, A Nan. Án hai bên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.

Trong khuôn viên chùa Báo Quốc còn có Tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát, phía sau Chùa là khu tháp Tổ, là khu tháp của Ngài Giác Phong - Tổ khai sơn ngôi cổ tự này. Xung quanh chùa đều là các cây xanh lâu năm với những tán lá rộng nên rất thoáng mát và yên tĩnh.

Ngoài ra, ở dưới chân đồi của ngôi chùa về phía Bắc còn có giếng nước nổi tiếng nước trong, thơm và ngọt, sâu độ 5 đến 6m, mạch nước ở giếng phun ra như vòi rồng nên có tên gọi là giếng Hàm Long. Dân gian có câu ca dao lưu truyền:

Nước Hàm Long đã trong lại ngọt
Em thương anh rày có bụt chứng tri.
freSy with passion

Theo nhiều câu chuyện kể lại, giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành và phát triển của nhà Nguyễn. Thời ấy, khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa khai hoang bờ cõi, vùng đất này có nhiều điều thần bí, hoang sơ và ít người qua lại. Một hôm, khi chúa Nguyễn vào Phú Xuân định đô, ông nằm ngủ không yên vì có một con rồng lớn hô mưa gọi gió, sóng gió vần vũ. Ông nhận thấy đây là điều không tốt cho vận mệnh của quốc gia và cuộc sống của nhân dân nên đã sai người đi tìm hiểu.

Một ngày nọ, có một ông thầy phong thủy tới diện kiến nhà vua và phán rằng: ở trước mặt kinh thành có dãy núi thiêng và nhiều long mạch. Long mạch ở đó thần bí hơn nhiều so với các nơi khác, muôn hình vạn trạng, biến đổi không ngừng, lúc thuận lúc nghịch, lúc to, lúc nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Ở đó hội tụ nguồn sinh khí thịnh vượng mà không nơi nào có được. Cần mời cao nhân về cúng bái để chấn yểm long mạch, chế ngự con rồng dữ.

Nhận được cao kiến, chúa Nguyễn mời thầy về yểm ở nhiều điểm và quả nhiên, con rồng đã không còn quấy phá, đời sống nhân dân lại trở nên yên bình. Chính vì vậy, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, xung quanh thành giếng có rất nhiều hoa văn hình rồng uốn lượn gợi nhớ đến câu chuyện rồng dữ năm xưa.

Lại có một ý kiến khác xoay quanh giếng Hàm Long khác với câu chuyện kể trên. Theo đó, giếng Hàm Long gắn với chùa Báo Quốc được xây dựng từ thế kỷ XVII. Khi Thiền sư Giác Phong khát nước bèn đào một cái giếng ở dưới chân núi. Lúc bắt đầu đào được ba lát đất thì có mạch nước trong vắt phun lên tựa như miệng rồng. Dòng nước ngon ngọt và mát lạnh, rửa mặt xong sẽ cảm thấy khoan khoái, tràn đầy sinh lực. Từ đó về sau, giếng nước được đặt tên là giếng Hàm Long.

Vinh danh:

Trải qua nhiều đời trụ trì chùa thì trụ trì chùa lâm thời là Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và đồng thời là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chùa Báo Quốc không chỉ là chốn thanh tịnh, yên bình cho những tâm hồn hướng về cõi Phật mà còn là Trung tâm Phật học của Huế thu hút hàng trăm tăng lữ tham gia học tập, tu dưỡng mỗi năm và chùa Báo Quốc cũng được nhiều du khách bốn phương vãng tự, chiêm ngưỡng như là một di tích cổ kính, mang đậm nét thiền tập của mảnh đất thần Kinh xưa.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: Chùa Báo Quốc - Trường Trung cấp Phật học Huế, số 17 Bảo Quốc, Phường Đúc, Huế, Thành phố Huế, Việt Nam

freSy with passion

5. Chùa Từ Hiếu

Giới thiệu

Chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu (Chữ Hán: 慈孝寺, Từ Hiếu Tự) là tên một ngôi chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa, thành phố Huế. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hóa và lịch sử của cố đô Huế.

freSy with passion

Lịch sử

Năm 1843, sau khi từ chức "Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự" và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hòa thượng Nhất Định đã đến đây khai sơn, dựng "Thảo Am An Dưỡng" để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già.

Hòa thượng Nhất Định nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai vua Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích:

Từ: là đức lớn của Phật, nếu không từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại.
Hiếu: là đầu hạnh của Phật, nếu không hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.
"Sắc tứ Từ Hiếu tự"

Cùng với sự đóng góp của Phật tử, vua Tự Đức ban cấp nhiều kinh phí, chùa còn được các vị quan trong cung triều Nguyễn mà nhất là các vị thái giám cúng dường tiền bạc để lo việc thờ tự sau này, năm 1848 Hòa thượng Cương Kỷ bắt đầu xây dựng chùa quy mô hơn và rồi Từ Hiếu trở thành một ngôi chùa lớn.

Năm 1894, Hòa thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh chùa với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, giám quan và các Phật tử.

Năm 1931, Hòa thượng Huệ Minh tiếp tục trùng tu và xây hồ bán nguyệt.

Năm 1962, Hòa thượng Chơn Thiệt tiếp tục trùng tu và chỉnh trang toàn cảnh chùa.

Năm 1971, chùa được Thượng tọa Chí Niệm cho trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt và những nhà cửa bị hư hỏng.

freSy with passion

Điểm đặc biệt

Chùa Từ Hiếu là một ngôi chùa cổ kính, nằm khuất trong một rừng thông trên một vùng đồi núi của phường Thủy Xuân. Khuôn viên chùa rộng chừng 8 mẫu, phía trước có khe nước uốn quanh, phong cảnh thơ mộng.

Trước cổng chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng vào năm 1896 dùng làm nơi tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là một hồ bán nguyệt trồng sen và nuôi cá cảnh(cá trê,.v.v.). Cấu trúc chùa theo kiểu ba căn hai chái, trước là chính điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường. Ở khu nhà hậu có án thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông.

Hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa. Chùa được xây theo kiểu: chính điện ba căn, hai chái, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu đường, ở giữa thờ đức thánh quan, bên trái thờ hương linh phật tử tại gia, bên phải thờ các vị Thái giám... bên tả sân hậu là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và bên hữu là Hữu Ái Nhật (nhà khách).

Xung quanh ngôi chùa Từ Hiếu còn có khá nhiều lăng mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn. Do địa thế đẹp, yên tĩnh lại không xa thành phố Huế nên nơi đây là nơi điểm vui chơi dã ngoại của thanh niên Huế vào những ngày nghỉ, ngày lễ. Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ đón khách du lịch trong và ngoài nước đông nhất cố đô Huế.

Điều khiến du khách không ít tò mò, chính là nghĩa trang, đây là nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Theo như lời xưa kể rằng, Ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa, xây dựng nhờ vào sự giúp đỡ của một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng, là người có số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông kêu gọi các vị thái giám trong triều đình đóng góp mở rộng Thảo Am, để sau này khi chết còn có nơi thờ tự, hương khói. Vì thế, sau này các thái giám khi chết được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.

freSy with passion

Sự kiện nổi bật

Chùa Từ Hiếu là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa và lễ hội Phật giáo quan trọng của cố đô Huế. Với bề dày lịch sử gần 200 năm, chùa thu hút đông đảo Phật tử và mọi người tham gia vào các nghi lễ tâm linh, tu thiền và các hoạt động văn hóa đặc sắc.

Một trong những lễ hội quan trọng nhất tại chùa Từ Hiếu là lễ Vu Lan vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch. Lễ Vu Lan là dịp để Phật tử bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, ông bà tổ tiên, là cơ hội để mọi người hòa mình vào các nghi thức cúng dường, cầu nguyện cho sự bình an. Lễ hội được tổ chức rất trang trọng tại tổ đình Từ Hiếu, với sự tham gia của nhiều nhà sư và Phật tử từ khắp nơi. Tại đây, bạn có thể tham dự các nghi lễ dâng hương, cúng dường, nghe giảng pháp và cầu nguyện cho người thân đã khuất.

Bên cạnh lễ Vu Lan, chùa Từ Hiếu cũng là nơi tổ chức nhiều khóa tu thiền, pháp thoại, và các hoạt động giáo dục Phật giáo. Các khóa tu thường diễn ra vào dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ Phật giáo, thu hút rất nhiều Phật tử và những người muốn tìm kiếm sự tĩnh tâm, giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.

Với địa thế đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, trái ngược với cuộc sống xô bồ của chốn thành thị, nên vào các ngày nghỉ chùa đón được lượng khách lớn đến tham quan, dã ngoại. Nếu cảm thấy mệt mỏi, áp lực với cuộc sống thì chùa Từ Hiếu là nơi giúp bạn tịnh tâm, thanh thản, cùng hòa mình vào chốn thiên nhiên yên bình, thoải mái để quên đi những phiền muộn, âu lo.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: Thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, Thành phố Huế

freSy with passion

6. Huyền Không Sơn Thượng

Giới thiệu

Cách trung tâm thành phố Huế chừng hơn 15km về hướng Tây, nằm ở độ cao 300 mét trên mực nước biển, ngôi chùa lưng chừng một đồi thông xanh mướt, thuộc thôn Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thành phố Huế, chùa Huyền Không Sơn Thượng là ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông (Theravāda), được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989.

Tuy có vị trí cách khá xa so với trung tâm thành phố nhưng Huyền Khồng Sơn Thượng từ lâu đã trở thành điểm đến tham quan, chiêm bái của nhân dân Thừa Thiên Huế và du khách thập phương. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, lối kiến trúc đơn giản nhưng hài hòa với thiên nhiên như một bức tranh thủy mặc, là một nơi tuyệt vời dành cho những vị khách muốn tới tận hưởng một không gian yên bình, tĩnh lặng.

freSy with passion

Lịch sử

Cũng giống những ngôi chùa trăm năm ở đất cố đố, Huyền Không Sơn Thượng cũng mang trong mình trầm tích theo thời gian. Khung cảnh núi non bao quanh lấy ngôi chùa tạo nên một không khí linh thiêng, cổ kính hiếm nơi đâu có được. Theo như tìm hiểu, chùa được sáng lập bởi ngài Viên Minh và chư huynh đệ là Sư Trí thâm, Sư Tấn Căn, Sư Tịnh Pháp. Tuy nhiên, vào năm 1976, ngài Viên Minh vào làm Tổng thư ký tại chùa Kỳ Viên nên đã đề cử thượng tọa Giới Đức giữ chức trụ trì chùa Huyền Không.

Đến năm 1978, chùa được di dời từ Hải Vân, Lăng Cô về thôn Nham Biểu, xã Hương Hồ. Sau 10 năm tọa lạc tại đây, sư Giới Đức đã thiết kế chùa mang đậm chất thiền, gần gũi với thiên nhiên. Là chốn đến an nhiên của rất nhiều lữ khách muốn tránh xa muộn phiền. Đến năm 1992, Thượng tọa chính thức vào ở trong núi Hòn Vượn, giao lại chùa Huyền Không Sơn Thượng cho đại đức Pháp Tông làm trụ trì. Trải qua theo thời gian, hình ảnh ngôi chùa đẹp như ngày nay là do bàn tay và sự sáng tạo của đại đức Pháp Tông.

Được biết, chùa thuộc hệ phái Nam Tông. Xây dựng từ năm 1989, nhờ công xây dựng của các tăng ni, phật tử, từ một vùng đồi hoang sơ, khô cằn nơi đây trở thành chốn tâm linh của những người muốn cầu mong sự an vui, bình yên trong cuộc sống. Chùa có diện tích khoảng 10.000m2, được quy hoạch gồm 2 khu vực chính là Ngoại Viện và Nội Viện. Trong đó, Ngoại Viện là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng, sinh hoạt của Phật Giáo, còn Nội Viện được dành cho sự tĩnh tu của các tăng ni, phật tử.

freSy with passion

Điểm đặc biệt

Đặt chân đến Huyền Không Sơn Thượng du khách sẽ bắt gặp một không gian thật yên tĩnh, cảnh quan kỳ ảo đẹp như trong chuyện cổ tích.

Với địa thế “hướng sông Hương, tựa núi Ngự”, khung cảnh ở Huyền Không Sơn Thượng vô cùng khoáng đạt, không khí trong lành, dễ chịu. Du khách tới chùa sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái, thanh tịnh, bỏ lại mọi muộn phiền của cuộc sống sau lưng.

Diện tích lên đến 10.000m2, chùa Huyền Không Sơn Thượng được quy hoạch gồm 2 khu vực chính, Ngoại Viện và Nội Viện, với nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ. Chánh điện sở hữu phong cách kiến trúc giản dị theo ý tưởng nhà rường Huế, với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói vảy cá.

Các chi tiết trạm chổ đều vô cùng tinh xảo, mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc đình chùa Việt Nam truyền thống. Khuôn viên ngoại viện của chùa có nhiều công trình ấn tượng như vườn cỏ đá, ngũ hồ, thư pháp đình.

freSy with passion

Đặc biệt, Thanh Tâm Viên và rừng thiền là 2 khu vực có cảnh sắc vô cùng tươi đẹp. Thanh Tâm Viên có một cây cầu gỗ bắc qua ao sen, súng, là địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh. Còn ở rừng thiền lại được bao quanh bởi núi rừng và đồi thông, vô cùng yên tĩnh.

Điều ấn tượng là Huyền Không Sơn Thượng còn có cả một vườn thư pháp. Các sư trụ trì thường đến đây để nghiên cứu thư pháp, viết sách, làm thơ. Những tác phẩm được trình bày cẩn thận trên tre, đá gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về đạo lý làm người, tu dưỡng đức tính, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Các khóa tu học ngắn ngày

Chùa Huyền Không Sơn Thượng còn là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo. Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu học ngắn ngày để mọi người và Phật tử có thể tham gia để học hỏi về giáo lý Phật giáo, thiền định, và cách thức buông bỏ những lo toan, áp lực trong cuộc sống.

Thời gian khóa tu thường kéo dài từ 3-7 ngày, giúp bạn có cơ hội sống chậm lại, tĩnh tâm và rèn luyện sự kiên nhẫn. Đây là khoảng thời gian quý báu để mỗi người học cách đối diện với chính mình, tìm lại sự cân bằng và thanh tịnh trong cuộc sống.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng là một điểm đến tâm linh thanh tịnh, nơi mà bạn có thể tìm thấy sự bình yên giữa thiên nhiên hoang sơ. Với kiến trúc hài hòa, không gian yên tĩnh và những trải nghiệm thiêng liêng, chùa không chỉ thu hút Phật tử mà còn là nơi lý tưởng cho những ai muốn tìm lại sự cân bằng và an yên trong tâm hồn.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: Thôn Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Website: https://huyenkhongsonthuong.com/

Facebook: https://www.facebook.com/HuyenKhongSonThuong/?locale=vi_VN

Số điện thoại: 0973740008

freSy with passion

7. Huyền Không Sơn Trung

Giới thiệu

Giữa khuôn viên chùa, bảo tháp Đại Giác xuất hiện sừng sững, gây ấn tượng với bất cứ du khách nào tới chùa chiêm bái. Bảo tháp là phiên bản thu nhỏ của ngôi đại tháp Mahābodhi Gāya ở Ấn Độ, với chiều cao của tháp chính là 37m, bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24m, chiều dài cạnh đáy ngang là 15,4m, cạnh đáy dọc là 9,4m.

Bên cạnh bảo tháp Đại Giác là Hàm Nguyệt Trì. Đứng tại đây, lắng tai nghe tiếng chuông chùa phía xa vọng lại, hòa mình giữa không gian sân vườn tịch mịch, cảm giác vô cùng thư thái, an nhiên.

freSy with passion

Lịch sử

Chùa Huyền Không Sơn Trung có nguồn gốc khá lâu đời. Ban đầu, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc, được dựng lên bằng tre nứa vào năm 1973. Đến năm 1978, nhà sư Giới Đức đã quyết định chuyển chùa về vị trí hiện tại ở Thôn Nham Biển, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà.

Từ năm 1993 đến 1995, chùa Huyền Không Sơn Trung đã được tu sửa và mở rộng chính điện trên khuôn viên gần 6000m². Qua thời gian, ngôi chùa đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và sự tôn nghiêm, tĩnh lặng vốn có.

Chùa Huyền Không Sơn Trung thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông (Kinh) và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và lan tỏa của văn hóa Phật giáo tại Huế cũng như toàn Việt Nam. Qua nhiều thế kỷ, chùa đã trở thành một điểm đến tâm linh và văn hóa không thể bỏ qua khi du khách ghé thăm Huế.

freSy with passion

Điểm đặc biệt

Ngôi chùa rộng gần 8.000m2 này có lối kiến trúc vô cùng độc đáo. Kết hợp hài hòa giữa sự tinh xảo của kiến trúc Ấn Độ với sự tinh giản của xứ Phù Tang, cùng bản sắc và cái hồn của văn hóa Việt.

Chùa Huyền Không Sơn Trung là sự kết hợp hoàn hảo giữa các nền văn hóa khác nhau, là sự giao thoa giữa kiến trúc Nhật Bản – Ấn Độ độc đáo. Kiến trúc Ấn Độ được thể hiện qua Bảo tháp Đại Giác, xây dựng theo nguyên mẫu đại tháp Mahā Bodhi Gāya, với một tháp chính cao 37m và bốn tháp phụ cao 24m. Kiến trúc Nhật Bản được thể hiện qua mái ngói đỏ, đèn lồng lục giác và cột trụ đơn giản nhưng chắc chắn. Hồn cốt văn hóa Việt Nam và nét đặc trưng của cung đình Huế cũng được thể hiện tinh tế qua các bức phù điêu và chi tiết chạm trổ trên các xà, kèo cột.

freSy with passion

Ngay từ cổng vào, du khách đã bị choáng ngợp bởi lối kiến trúc không giống bất cứ nơi đâu. Cổng chùa bao gồm13 tầng mái, có chiều cao 15m, rộng 13m.

Ở các góc mái và vị trí giữa mái, có linh vật trang trí là chim khổng tước. Điểm nhấn là các họa tiết trang trí quanh thân cổng và các thân trụ tường thành hai bên là những hình phù điêu được các nghệ nhân tham khảo từ hệ thống hoa văn phù điêu của thánh địa Mỹ Sơn, Champa.

Chùa có diện tích rộng 6000m2, không gian được bao phủ bởi nhiều cây xanh và các loại hoa cỏ, tất cả tạo nên một khung cảnh đẹp tựa như chốn bồng lai. Huyền Không Sơn Trung là trường đào tạo các khóa sơ cấp và trung cấp về Phật học.

Giữa khuôn viên chùa, bảo tháp Đại Giác xuất hiện sừng sững, gây ấn tượng với bất cứ du khách nào tới chùa chiêm bái. Bảo tháp là phiên bản thu nhỏ của ngôi đại tháp Mahābodhi Gāya ở Ấn Độ, với chiều cao của tháp chính là 37m, bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24m, chiều dài cạnh đáy ngang là 15,4m, cạnh đáy dọc là 9,4m.

Bên cạnh bảo tháp Đại Giác là Hàm Nguyệt Trì. Đứng tại đây, lắng tai nghe tiếng chuông chùa phía xa vọng lại, hòa mình giữa không gian sân vườn tịch mịch, cảm giác vô cùng thư thái, an nhiên.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: thôn Nham Biển, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km.

Website: https://huyenkhongpagoda.net/

Số điện thoại: 0976214876

freSy with passion

8. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Giới thiệu

Nằm giữa lòng hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Thừa Thiên Huế là danh thắng nổi tiếng. Đây là thiền viện thuộc phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử ở miền Trung. Mỗi năm, vào dịp lễ phật, Trúc Lâm Bạch Mã thu hút rất đông tín đồ Phật tử, du khách hành hương về lễ phật.

freSy with passion

Lịch sử

Thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi Thiền viện đầu tiên tại miền Trung, do Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ sáng lập. Chữ Bạch Mã là lấy theo tên núi tại địa phương. Chữ Trúc Lâm là hàm ý nhắc đến dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời mang tính nhập thế tích cực. Bằng tâm giác ngộ, các Ngài đi vào đời làm lợi ích chúng sanh mà không bị cuộc đời làm vướng bận.

Điểm đặc biệt

Ở độ cao 1450m, cách Biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ thường từ 19-21 độ C, Bạch Mã được xem là một trong những vùng khí hậu lý tưởng. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng Hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt.

Khuôn viên chùa được chia thành 3 khu vực chính gồm ngoại viện, tăng viện, ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ. Công trình này được xây dựng rất bề thế nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thoát tục tọa lạc giữa hồ Truồi, thuộc dãy núi Bạch Mã.

Vượt qua lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước, độ chừng mươi chục phút, bằng những con xuồng nhỏ, sẽ đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Bước lên khỏi 172 bậc tam cấp làm bằng đá là cổng tam quan của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

freSy with passion

Cổng tam quan ở thiền viện bao gồm một cổng chính và hai lối đi phụ. Mỗi lối đi đều mang ý nghĩa riêng, với lối đi phụ bên phải dành cho quan văn và lối đi nhỏ bên trái dành cho quan võ. Lối chính giữa chỉ dành cho bậc quân vương và chính khách được mời đến.

Đến với thiền viện, bạn còn được tận mắt nhìn ngắm tượng Phật Thích Ca khổng lồ đang an tọa trên đỉnh núi ở trước chùa. Công trình này để lại ấn tượng và mang dấu ấn rất sâu đậm với du khách thập phương vì vị trí tọa lạc giữa khung cảnh đậm chất linh thiêng. Tượng được làm bằng đá, có chiều cao lên đến 24m và nặng 1.500 tấn.

Ngoài ra, còn có những công trình kiến trúc của Thiền viện nằm ở phía bên kia hồ, ẩn hiện trong màn sương khói được bao quanh là mây mù phiêu lãng rất mơ màng.

Qua khỏi khu ngoại viện chính là nơi điện thờ chính. Nơi đây thờ đức Phật tổ đang an tọa ở dưới gốc cây bồ đề. Sau chính điện là khu vực thờ Tổ sư Đạt Ma. Tăng viện là nơi tu hành của các phật tử và tu sỹ là nam giới, còn Ni viện lại là nơi chuyên tu của phật tử và tu sỹ nữ giới.

Không chỉ có khung cảnh đẹp nên thơ hữu tình, không khí mát lạnh, trong lành, Thiền viện còn là nơi hội tụ tuyệt tác nghệ thuật của Phật giáo. Từ những họa tiết trang trí tinh xảo đến những mái chùa cổ kính. Gác chuông ở nơi đây được thiết kế theo lối kiến trúc đậm chất Á Đông, bao gồm 2 tầng và 8 mái cong.

freSy with passion

Gác chuông được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa, với hai tầng và tám mái cong đầu đao. Khắp nơi trang trí hoa cành và hình rồng vô cùng sống động, khiến du khách không thể rời mắt.

Đứng trên đỉnh của Thiền viện, bạn sẽ được ngắm nhìn mặt hồ lung linh, huyền ảo tựa như một tấm gương ngọc bích khổng lồ, soi chiếu quang cảnh mây trời hữu tình. Chỉ cần bước xuống bến thuyền sau đó vượt qua 172 bậc tam cấp, bạn sẽ đến được cổng tam quan. Đến nơi đây, bạn sẽ tha hồ trải nghiệm không khí bình yên giữa chốn bồng lai tiên cảnh, tạm thoát khỏi cuộc sống ồn ào náo nhiệt.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: Xã Lộc Hòa, Huyện Phú Lộc, Thành phố Huế, Việt Nam

Website: http://truclambachma.net/

Facebook: https://www.facebook.com/Truclambachma/?locale=vi_VN

Số điện thoại: 0975433846 - 0834001336

freSy with passion

9. Chùa Thánh Duyên (Chùa Túy Vân)

Giới thiệu

Chùa Thánh Duyên (chữ Hán: 聖緣寺) là một công trình kiến trúc phật giáo có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 17 và do vua Minh Mạng trùng tu và xây lại vào các năm 1825 và 1836. Chùa tọa lạc tại núi Túy Vân, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế. Cảnh quan chùa và núi Túy Vân được vua Thiệu Trị xếp thứ 9 trong Thần kinh nhị thập cảnh.

freSy with passion

Lịch sử

Núi là Thuý Vân, tục gọi là Tuý Vân, ngày nay thuộc vào địa phận hai làng Đông An và Hiền Vân, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế khoảng 30km về phía đông nam, nằm ngay ven bờ đầm Cầu Hai. Theo các sử sách của triều Nguyễn, trước kia núi Thuý Vân gọi là núi Mỹ Am, trên núi có chùa Thánh Duyên.

Chùa ban đầu do chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) lập để cầu phúc cho dân địa phương. Xuân Nhâm Thân (1692), chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho tu sửa sơn son thếp vàng ngôi chùa cũ trên núi. Chùa bị phá hủy do chiến tranh vào nửa cuối thế kỷ XVIII.

Năm 1825, thời Minh Mạng trong một lần ngự giá đến cửa biển Tư Hiền, vua Minh Mạng đã đổi tên núi thành Thuý Hoa và cho trùng tu chùa, đặt tên là Thúy Hoa tự và đặt tên núi cũng là Thúy Hoa. Đến năm 1836, nhà vua lại quyết định cho "đại trùng kiến" toàn bộ chùa Thánh Duyên. Nhà vua cho xây thêm Đại Từ Các và tháp Điều Ngự, đặt tên chùa là Thánh Duyên tự.

Tới thời Thiệu Trị, vì kỵ húy tên Thái hậu Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên núi Thúy Hoa được đổi tên thành Thúy Vân, người dân đọc chệch đi thành Túy Vân. Từ đó trở về sau, chùa Thánh Duyên còn được tu sửa nhiều lần nữa, nhưng đến ngày nay thì chùa đã ở trong tình trạng xuống cấp hết sức nghiêm trọng, cảnh trí tiêu điều vì ít được chăm sóc.

Điểm đặc biệt

freSy with passion

Sau khi xây lại năm 1936, quy mô của chùa gồm một toà điện chính 3 gian, 2 chái toạ lạc gần chân núi.

Ở lưng chừng núi là gác Đại Từ, 2 tầng, tầng dưới 3 gian 2 chái, tầng trên 3 gian. Xung quanh gác có tường bao bọc, mặt trước có nghi môn.

Trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự 3 tầng, cao 3 trượng 6 thước 9 tấc (khoảng 15m).

Năm 1837, ở bên trái điện chính của chùa có dựng thêm một tăng xá 3 gian 2 chái để làm chỗ ăn ở cho các nhà sư. Ngoài ra còn có 2 nhà bếp, mỗi nhà đều 1 gian.

Dưới thời vua chúa Nguyễn, chùa Thánh Duyên là một trong những đại danh lam, được xếp vào hàng quốc tự của Huế (Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế,...). Nhiều vị cao tăng nổi tiếng như hoà thượng Liễu Đạo Chí Tâm, Tánh Khoát Huệ Cảnh, Tánh Thông Nhất Trí, Vĩnh Thừa, Giác Nhiên,... đã được cử đến đây để đảm nhận ngôi vị trụ trì.

Tại đây vẫn còn lưu giữ nhiều văn vật có giá trị như chuông đồng, bia đá và các bài thơ của các vị vua triều Nguyễn được bảo tồn cẩn thận. Trong số gần 70 pho tượng tại chùa Thánh Duyên, nổi bật nhất phải kể đến là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng và bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất Việt Nam đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2008. Hiện tại, bộ tượng đồng Thập Bát La Hán đang được thờ trong chính điện, còn bộ tượng tre thếp vàng được nhà chùa bảo quản trong điều kiện riêng đặc biệt, để có thể đảm bảo giữ bộ tượng quý được lâu bền.

Một điều đặc biệt ở chùa Thánh Duyên, đó là cách xây dựng không theo nguyên tắc chung mà theo quy tắc chùa – gác – tháp được xây dần lên cao trên đỉnh núi. Kết thúc tham quan khu chính điện ta đi dần lên cao theo con đường nhỏ sau chính điện. Gác Đại Từ dần hiện ra với hai tầng xây theo mô tuýp truyền thống, lợp ngói âm dương, gác nằm hài hòa với phong cảnh xung quanh và làm tôn thêm vẻ đẹp của chảnh chùa.

Gác Đại Từ nằm chính giữa cũng tượng trưng cho con người trong trục quan hệ Thiên-Nhân-Địa (con Người ở giữa, trên là Trời, dưới là Đất) nên phải mang cái tâm đại từ đại bi của Phật.

Cao nhất trên đỉnh núi Túy Vân là tháp Điều Ngư. Tháp Điều Ngư ở trên đỉnh núi, được xây liền khối bằng gạch, cấu trúc ba tầng, cao chừng 15m. Sử cũ có ghi lại là tháp cao 3 trượng 6 thước 9 tấc; ba con số này có tổng là 18, một con số hoàn hảo theo quan niệm của phương Đông. Từ đây, du khách đưa tầm mắt hướng ra xa có thể quan sát hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc, nhìn sự hùng vĩ mênh mông của phá Tam Giang, cảnh cá Tư Hiền và biển Đông. Chiều về, tàu thuyền từ ngoài phá lùa ghé mũi vào nhau tạo nên một bức tranh như sắp đặt tuyệt đẹp.

Dưới chân núi, cạnh bờ phá Tam Giang nay vẫn còn chiếc giếng cổ, gọi là Giếng Cung, bởi thuộc hành cung Thúy Vân, nơi các vua nhà Nguyễn vẫn thường về nghỉ ngơi trong những tháng mùa hè oi bức. Giếng nước tuy nằm cạnh bờ phá Tam Giang quanh năm nước lợ nhưng lại ngọt mát vô cùng. Nghe đồn các sư trên chùa và dân trong vùng thường lấy nước về pha trà cho hương vị thơm ngon, tinh khiết vô cùng.

Trong thơ ca

freSy with passion

Núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên cũng được xem là một trong những thắng cảnh bậc nhất của đất thần kinh. Các chúa và sau này là các vua Nguyễn thường về đây thưởng ngoạn cảnh sắc và đã làm rất nhiều thơ phú để ca ngợi. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả có lẽ vẫn là vua Thiệu Trị với bài thơ này. Điều đáng nói thêm là dưới thời Nguyễn, toàn bộ cảnh chùa và núi đã được vẽ vào đồ sứ men làm cùng 4 câu thơ thực và luận của bài thơ này.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, người có nhiều năm nghiên cứu về các di sản cung đình Huế, thì chùa Thánh Duyên có lối kiến trúc rất đặc biệt, vừa thể hiện được triết lý Phật giáo vừa phản ánh được tinh thần cơ bản của Nho giáo.

Là thắng cảnh nổi tiếng của kinh đô Huế nên trước đây núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên thường là nơi lui tới của các bậc tao nhân mặc khách. Đặc biệt, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng từng nhiều lần ghé thăm và để lại nhiều áng văn thơ tuyệt tác ca ngợi cảnh đẹp nơi này. Điển hình như bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị và 4 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, núi Tuý Vân của vua Minh Mạng. Các bài thơ này đều được khắc trên bia đá và hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa.

Trải qua bao cuộc bể dâu với nhiều lần tu sửa, chùa Thánh Duyên nay vẫn còn trên núi Túy Vân. Năm 1996, nơi này đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đến với thắng cảnh này du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh Phật an nhiên để tĩnh tâm, gột rửa mọi muộn phiền, mà còn có cơ hội được khám phá vẻ đẹp bình dị mà nên thơ của những xóm chài ven phá Tam Giang, vùng đầm phá rộng lớn và kì bí bậc nhất Đông Nam Á.

Vua Thiệu Trị đã "xếp hạng" cảnh đẹp chùa Thánh Duyên và núi Túy Vân là cảnh sắc thứ 9 trong số 20 cảnh đẹp đất kinh kỳ qua bài thơ Vân Sơn thắng tích.

Cây phủ non xanh tự thuở nào,

Trập trùng bao lớp tựa long chầu.

Chuông ngân cậy gió thêm linh nghiệm,

Hương toả nương mây thật nhiệm mầu.

Quẩn quanh trời rộng mây ngàn phủ,

Vương vấn hồng trần tiếng guốc xao.

Toả sáng thánh duyên muôn nẻo thiện,

Nhân lành thêm rực cảnh chùa cao.

Vân Sơn Thắng Tích - vua Thiệu Trị

Thế mới biết, núi Túy Vân cùng chùa Thánh Duyên với vị thế đặc biệt cùng vẻ đẹp độc đáo không chỉ làm nên nét riêng biệt giữa chốn rừng thiền mà còn là một ngôi quốc tự hàng đầu của chốn Thiền kinh, xứng danh là trấn sơn tự của Đại Nam bên cạnh cửa biển Tư Hiền hiểm yếu suốt mấy trăm năm qua.

Vinh danh:

Ngày nay chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng được những bài thơ này khắc trên bia đá và còn đang được lưu giữ trong chùa. Trải qua bao biến động của lịch sử cùng nhiều lần tu sửa, ngày nay chùa Thánh Duyên vẫn còn nằm trên núi Túy Vân. Đến năm 1996 chùa đã được nhà nước công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc gia.

Dạo bước lên núi tham quan chốn cửa thiền, giữa cảnh bình yên non nước, khi bên tai chỉ còn lại tiếng lá rừng xào xạc xen lẫn trong tiếng rì rầm của sóng nước và tiếng kinh cầu man mác giữa buổi trưa hè, lòng người viễn khách bỗng trở nên thư thái lạ thường và bao nhiêu muộn phiền cũng dường như tan biến hết.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: làng Hiền An, thôn Hiền Hòa, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thành phố Huế, Việt Nam

Số điện thoại: 0234392490

freSy with passion

10. Chùa Diệu Viên

Giới thiệu

Chùa Diệu Viên là chùa sư nữ đầu tiên tại Huế, tọa lạc ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, trên triền núi Ngũ Phong, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành một cảnh trí trang nghiêm, thanh tịnh. Chùa theo hệ phái Bắc Tông và là một cơ sở hoạt động từ thiện tích cực.

freSy with passion

Lịch sử

Lúc đầu chùa Diệu Viên chỉ là nơi thờ tự của một vị quan lớn triều Vua Tự Đức. Đến cuối đời Vua Khải Định, chùa được chuyển nhượng cho cụ bà Ưng Dinh (Ưng Dinh là tên chồng, do người Huế xưa có phong tục gọi tên người phụ nữ đã có chồng theo tên người chồng), nhũ danh là Hồ Thị Thế Anh trông coi trụ trì và từ đó chùa chỉ nhận các sư nữ. Sau này cụ bà Ưng Dinh cùng bà Nguyễn Thị Khương và một số Phật tử đã mời Sư bà Thích Nữ Hướng Đạo làm vị khai sơn năm 1924. Cuối năm 1926, Vua Bảo Đại sắc phong Sắc tứ Diệu Viên Sư nữ Tự. Chùa được trùng tu, mở rộng vào các năm 1929 và 1953.

Năm 1958, chùa mở cơ sở sản xuất tương, nhang, bánh in.

Năm 1959, chùa thành lập bệnh xá giúp đỡ cho đồng bào nghèo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.

Năm 1960, chùa mở nhà dưỡng lão làm nơi cư ngụ cho các ông bà cụ neo đơn, tàn tật.

Năm 1962, chùa thành lập cơ sở may tạo công việc làm ăn cho các thanh thiếu nữ địa phương, thành lập trường sơ học miễn phí giúp cho những người mù chữ và tổ chức trùng tu lần thứ ba.

Năm 1965, chùa mở vườn trẻ Lâm Tỳ Ni.

Năm 1966, chùa xây cổng Thanh Trúc động Quán Thế Âm.

Chùa được trùng tu lần thứ tư, khánh thành vào ngày 23 – 3 – 2001, trở thành ngôi tự viện khang trang, thanh tịnh.

freSy with passion

Điểm đặc biệt

Cũng giống như 27 ngôi cổ tự của Huế, chùa Diệu Viên mang nét kiến trúc đặc trưng của kinh đô Huế. Đó là Cổng Tam quan được xem là bộ mặt của một ngôi chùa và có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống tâm linh của các hành giả trong chùa và khách thập phương tín thí đến chùa lễ Phật. Tam quan được xem như cửa ải giữa hai thế giới thánh phàm, tịnh nhiễm nhằm thanh lọc và bảo hộ tâm hồn của hành giả mỗi khi ra vào. Bởi vậy, người ta thường gọi cổng Tam quan của nhà chùa là cửa Phật, cửa Tam bảo, cửa Thiền, cửa Từ bi, cửa Giải thoát (Tam giải thoát môn),…

Cổng Tam quan Thanh Trúc động Quán Thế Âm của chùa Diệu Viên được xây dựng theo lối cổng – động rất đặc trưng. Phía dưới chỉ một vòm cổng dẫn sâu hút vào chùa bằng một lối đi, phía trên là động Quán Âm, chất liệu gạch và vôi vữa nhưng bên ngoài dán đá để tạo ra một loại cổng hình hang động rất ấn tượng. Cổng Tam quan này gồm ba tầng tạo hình như một chiếc cổng tạc từ sườn núi, tầng trên là bức tượng Thế Tôn ngồi kiết già nhập định, tầng thứ hai thiết kế bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm rảy nước cành dương với hai câu đối đáp nổi ở hai bên như được khắc vào đá.

Khuôn viên chùa thoáng đãng có những hàng đá núi viền quanh một cách tự nhiên tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi cổ tự.

Bên cạnh đó chùa còn mở rộng các hoạt động từ thiện xã hội thông qua việc xây dựng các khu phòng trong chùa như: viện dưỡng lão, trường mẫu giáo, phòng châm cứu, các lớp học văn hóa, học ngoại ngữ, tin học miễn phí cho học sinh nghèo… đã hoạt động có hiệu quả, đem lại niềm an lạc cho biết nhiều người dân của địa phương và các vùng lân cận.

Vinh danh:

Chùa Diệu Viên là ngôi chùa sư nữ đầu tiên trên đất Huế. Với hơn 100 năm khởi công xây dựng và tồn tại, chùa dần hoàn thiện vẻ đẹp không chỉ bên ngoài mà còn hoàn thiện vẻ đẹp của một ngôi chùa lấy niềm vui, niềm an lạc của con người lên trên hết. Với ngôi chùa sư nữ này, các công việc liên quan đến nữ công gia chánh là một điều gì đó khá đơn giản. Chùa mở các hoạt động từ thiện xã hội giúp đỡ người dân được xem là nét đặc trưng và đẹp đẽ nhất, làm rạng ngời mảnh đất nhỏ Thủy Dương trên kinh thành Huế.

Sau một thời gian gián đoạn vì thiếu trợ duyên, hiện nay Viện dưỡng lão, châm cứu chữa bệnh, trường mẫu giáo… đã được khôi phục hoạt động, mang lại sự giúp đỡ thiết thực cho quần chúng, phật tử. Chùa cũng được tái trùng tu cách đây chưa lâu, đường sá gần gũi dễ đi, cảnh chùa càng thêm nghiêm trang rạng rỡ. Sắc tứ Diệu Viên Sư Nữ Tự - ngôi chùa nữ đầu tiên trên đất Huế.

Hướng dẫn đường đi

Địa chỉ: 4/126 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường Thủy Dương (Thị Xã Hương Thủy), Thành phố Huế, Việt Nam

Facebook: https://www.facebook.com/Dieuvienpagoda

Số điện thoại:0914204114

Số điện thoại Nhà dưỡng lão Diệu Viên: 0543864302

freSy with passion

Lưu ý chung cho khách thập phương:

  • Khi vào trong chùa nên đi vào bằng cửa bên phải và đi ra ở cửa bên trái. Không nên đi vào ở cửa giữa vì đây thường là cửa chỉ dành cho Thiên tử, bậc khoa bảng và các bậc cao tăng ra vào chùa.
  • Đi lễ chùa chỉ nên dâng hương hoặc sắm lễ chay, trong đó lễ chay gồm: bánh kẹp, hoa quả tươi, xôi chè... không sắm lễ mặn.
  • Không tự ý lấy hoặc sử dụng bất cứ đồ dùng nào của nhà chùa. Không tự ý mang bất cứ món đồ nào trong chùa về nhà.
  • Mặc trang phục lịch sự, giản dị, tránh những trang phục hở hang hay màu sắc sặc sỡ. Nên đi các loại giày dép dễ cởi.
  • Khi đi chùa không nên trang điểm đậm hoặc xịt nước hoa.
  • Không nói chuyện to, không đùa giỡn, không khạc nhổ.
  • Nên mang theo mũ nón hoặc dù che, nước uống và tiền lẻ.
  • Hầu hết các chùa không có bãi xe rộng, phí giữ xe máy từ 5.000 – 10.000 VNĐ.

Tổng hợp từ Internet.

Bài viết khác

The ÂN - Working with love
Tài trợ & Đối tác
KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN: HÀNH TRÌNH TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN THÀNH CÔNG
The ÂN - Working with love
The ÂN - Working with love
Tình yêu thương

đến từ khách hàng của freSy!

Nhận tin mới nhất