Hãy cùng freSy bước vào miền đất linh thiêng, được xem như “nóc nhà” của nước Việt, để nghe tiếng gió rì rào giữa rừng thông, lắng nghe câu chuyện của từng pho tượng, từng mái ngói cong uốn lượn và cảm nhận phút giây tĩnh lặng, thanh bình hiếm có giữa không gian Tây Bắc hùng vĩ. Đây không chỉ là một chuyến tham quan, mà còn là hành trình khám phá tâm hồn, nơi mỗi bước chân đưa bạn đến gần hơn với những giá trị tinh thần đậm đà bản sắc vùng cao.
Nằm giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, Điện Biên và Sơn La không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn ẩn chứa nhiều địa điểm tâm linh mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Từ những ngôi chùa cổ kính trên lưng chừng đồi, đến các đền thờ - am - miếu linh thiêng gắn liền với tín ngưỡng bản địa, mỗi địa điểm nơi đây đều lưu giữ câu chuyện lịch sử, truyền thuyết kỳ bí và nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Thái, Mông, Dao…
Khi ghé thăm Điện Biên, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng chùa Linh Sơn tĩnh lặng bên dòng Mường Thanh, mà còn có thể dừng bước tại chùa Linh Quang sừng sững trên đồi Tông Khao, hay khám phá Đền thờ Hoàng Công Chất - Di tích Thành Bản Phủ – những nơi bạn sẽ cảm nhận được hơi thở mát lành, thanh tịnh của đất trời. Sang đến Sơn La, những ngôi chùa như chùa Trúc Lâm Hưng Quốc, Chùa Vặt Hồng hay loạt đền thờ Vua Lê Thái Tông - Hai Bà Trưng & Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp... dẫn lối bạn vào hành trình tìm về lịch sử, về cội nguồn tâm linh, nơi âm vang tiếng mõ, tiếng chuông ngân giữa núi rừng bạt ngàn.
Chùa Linh Sơn thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách viếng thăm mỗi năm. Đây không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn mang đến cho khách viếng sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.
Chùa Linh Sơn nằm tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cách Hầm Đờ Cát khoảng 1,5km. Chùa được xây dựng trên khu đất được quy hoạch có tổng diện tích hơn 4.600 m2, bao gồm các hạng mục: Tam quan, đài tưởng niệm, tòa nhà sinh hoạt văn hóa, bãi đỗ xe, khuôn viên cây bồ đề và bàn thờ Phật.
Trong những năm đầu, chùa chỉ là một ngôi tịnh thất nhỏ đơn sơ với vách tre, mái lá để làm nơi tu học và lấy tên hiệu là Tu viện Thái Hư. Khi người dân từ các vùng, miền về đây lập nghiệp thường xuyên đến viếng lễ Phật nên ngôi tịnh thất trở thành chùa. Cảnh vật không còn cô tịch như xưa mà trở nên náo nhiệt. Qua nhiều lần trùng tu và thay đổi trụ trì, đến năm 1987, Tỉnh hội Phật giáo Ðồng Nai đã bổ nhiệm Ðại đức Thích Pháp Cần về trụ trì chùa. Kể từ đó, Phật giáo huyện Tân Phú sau thời gian im ắng đã hoạt động sôi nổi trở lại.
Tổng thể chùa có diện tích khá lớn là 37 hecta. Kiến trúc chùa có chánh điện, phòng khách, trai đường, văn phòng ban trị sự Phật giáo huyện, nhà tổ, nhà cốt, Phật cảnh, cổng tham quan hoành tráng như một ngọn núi. Chánh điện chùa có diện tích gần 1 sào. Với lối kiến trúc xây dựng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo tiêu biểu của thiền phái Nam Tông và văn hóa dân tộc Việt, hậu khuôn viên chùa là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hai ngọn núi Phú Sơn cùng thác Hòa Bình bao quanh tạo cho chùa một thế dựa vững chắc.
Nơi đây còn giữ gìn được nhiều vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, không khí trong lành mát mẻ, không gian thanh bình và yên tĩnh. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và nét đẹp thiên nhiên hoang sơ đã làm cho chùa Linh Phú vừa khang trang vừa cổ kính và thanh tịnh.
Trong khuôn viên chùa còn có tượng Vua Hùng được xây dựng và đặt thờ trên một ngọn đồi với 108 bậc cấp đi lên, vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, từng đoàn người tấp nập lên thắp nhang cúng viếng, tưởng nhớ công ơn của vị Quốc tổ, vì thế, đây được coi là điểm du lịch văn hóa tâm linh lý tưởng.
Chùa Linh Sơn cũng là nơi tổ chức các khóa tu mùa hè giúp các bạn trẻ biết đến Phật pháp, làm theo lời Phật dạy, trở thành một người có đạo đức, biết sống trí tuệ, giàu lòng từ bi; là nơi để các bạn giảm thiểu căng thẳng, tu dưỡng thân tâm, lấy lại năng lượng sau một năm dài học tập.
Địa chỉ: xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, Tỉnh Điện Biên, Việt Nam
Chùa Linh Quang cách trung tâm thành phố chừng 5km. Đi về phía bờ kênh Độc lập, vừa ra khỏi thành phố, chạm tới Thanh Nưa, nhìn về phía núi non bên tay trái là gặp ngay “chốn an yên nơi mảnh đất biên giới Điện Biên”.
Chùa Linh Quang, được xây dựng vào năm 2016, là một điểm đến nổi bật tại Điện Biên. Không chỉ thu hút các Phật tử mà còn cả du khách từ nhiều nơi, chùa tọa lạc trên đồi Tông Khao, cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 5 km.
Đến đây, bạn sẽ không chỉ được thưởng ngoạn không gian thanh tịnh mà còn cảm nhận được sự hòa hợp giữa phong cảnh thiên nhiên và văn hóa Phật giáo đặc trưng của vùng biên giới.
Chùa Linh Quang được xây dựng với kiến trúc đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm, tạo cảm giác yên bình ngay từ khi bước vào. Không gian xung quanh chùa được bao quanh bởi những thảm cỏ xanh mát, những giỏ phong lan đầy màu sắc và hàng cây đào phai đặc trưng của miền Bắc, tất cả tạo nên một bức tranh thanh thoát và gần gũi với thiên nhiên.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của ngôi chùa này là sự giản dị và không gian xanh mát. Quanh khu vực tam bảo là con đường nhỏ dẫn lối chỉ rộng khoảng 1m, uốn lượn, mềm như dải lụa. Chùa Linh Quang không nhiều các loài cây quý hiếm mà chỉ có những loài cây dân dã, thân quen của các vùng miền như đào phai miền Bắc, những giỏ phong lan của vùng rừng biên giới, những thảm cỏ rêu phong khoe vẻ đẹp tao nhã hoang sơ.
Chùa Linh Quang cuốn hút bởi không gian thanh tịnh. Tới đây, người ta thấy được sự hài hòa với thiên nhiên, dưỡng tâm hướng sống thiền, sống đạo trong tương quan nhân giới và nhiên giới.
Ngôi chùa cuốn hút bởi không gian thanh tịnh. Chính vì vậy, không cần phải là một người tôn sùng đạo giáo, một người am hiểu phật pháp mới có thể đến đây, mà bất cứ ai mong muốn tìm chữ an yên trong tâm hồn, gột rửa những muộn phiền của cuộc sống thường nhật đều có thể tìm về đây.
Một trong những lý do khiến Chùa Linh Quang Điện Biên trở thành điểm đến tâm linh nổi bật chính là những hoạt động Phật giáo sâu sắc và đa dạng. Các buổi lễ như Lễ an vị tượng, lễ cầu an, và đặc biệt là việc đọc Kinh Dược Sư diễn ra thường xuyên tại đây.
Những hoạt động này không chỉ thu hút Phật tử mà còn là cơ hội để du khách trải nghiệm và cảm nhận sự tịnh tâm trong không gian thiền tịnh của chùa.
Đọc Kinh Dược Sư là một trong những nghi lễ quan trọng tại Chùa Linh Quang Điện Biên. Kinh Dược Sư không chỉ giúp người tụng có thể xả bỏ phiền não mà còn thúc đẩy sự thanh tịnh trong tâm hồn. Đây là một nghi thức giúp tăng trưởng lòng từ bi, cũng như làm dịu đi những lo âu trong cuộc sống thường nhật.
Đặc biệt, nghi lễ này còn có sự tham gia của cộng đồng Phật tử địa phương, thể hiện tinh thần đoàn kết và chia sẻ trong đạo Phật.
Địa chỉ: Nằm trên đồi Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Việt Nam
Hoàng Công Chất có tên thật là Hoàng Công Thư (31/1/1706 - 21/3/1769), quê ở Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình.
Ông là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài lớn giữa thế kỷ 18, chống lại triều đình vua Lê chúa Trịnh trong suốt 30 năm. Trong thời gian khởi nghĩa, nghĩa quân của ông thất bại và phải rút chạy sang thượng Lào, Thanh Hoá để khôi phục lực lượng. Trong thời gian đó ông đã mang theo nghĩa quân của mình vượt đường núi lên giải phóng Mường Thanh đang bị giặc Phẻ chiếm đóng. Ông chia lại ruộng cho dân bản nghèo, phòng thủ nơi biên cương chống giặc phương Bắc, mặt trong thì chống triều đình, bảo vệ bà con nhân dân miền ngược nên được dân địa phương yêu quý gọi là chúa Mường Then.
Thành Bản Phủ là thành lũy được Hoàng Công Chất xây dựng ở châu Ninh Biên, phủ An Tây làm thủ phủ cho nghĩa quân vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Thành được xây và mở rộng dựa trên nền cũ của Thành Sam Mứn trước kia do người Lự xây từ thế kỷ thứ X. Ngày nay Thành Bản Phủ tọa lạc ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km. Thành Bản Phủ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 10-VHTT/QĐ ngày 09/02/1981. Đền Thờ Hoàng Công Chất là ngôi đền được xây trong khuôn viên của ngôi thành cổ là nơi thờ vị chúa Mường Then Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh của ông.
Khoảng năm 1740, giặc Phẻ chiếm được Mường Thanh và đóng quân trong thành Tam Vạn, rồi cướp phá khắp nơi đến tận Thuận Châu (Sơn La).
Có hai thủ lĩnh người Thái là Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh đứng lên tập hợp, lãnh đạo dân Mường Thanh chống giặc. Song lực còn yếu, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất, phải rút lên vùng núi cao bảo toàn lực lượng.
Năm 1751, nghe tin có vị tướng miền xuôi; tức thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất gặp rất nhiều khó khăn tại vùng Sơn Nam Hạ trước sự đàn áp của triều đình, tạm lánh vào vùng thượng du Thanh Hóa rồi sang Ai Lao để củng cố xây dựng lực lượng. Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh đã mang tàn quân tới liên kết với nghĩa quân. Nghĩa quân đóng ở vùng sông Mã (huyện Sông Mã ngày nay), đến khi lực lượng đủ mạnh thì xuất quân tiến về bao vây thành Tam Vạn (Điện Biên Phủ ngày nay).
Năm 1751-1754, diễn ra nhiều trận đánh ác liệt đã liên tiếp, nghĩa quân bao vây Mường Thanh. Cuối cùng, Hoàng Công Chất lập mưu trong đánh ra, ngoài đánh vào. Phạ Chẩu Tin Toòng bỏ thành chạy đến Pú Văng (chân đồi Độc Lập) rồi bị nghĩa quân đánh bắt được.
Hoàng Công Chất làm chúa Mường Then được 6 năm thì mất vì bệnh, con trai ông là Hoàng Công Toản lên thay cha cai trị Mường Then nhưng được vài năm thì bị quân triều đình Lê Trịnh dập tắt cuộc khởi nghĩa và đàn áp dã man.
Tung tích của Hoàng Công Toản cũng không có ghi chép cụ thể số phận ra sao. Sau này vì nhớ tới công ơn của cha con ông, nhà dân Mường Then đã lập đền thờ ông cùng các tướng trên chính nền cũ của ngôi thành cổ năm xưa. Đồng thời nhà nước cũng tôn tạo lại một đoạn tường thành cũ của thành Tam Vạn và xây dựng lại ngôi đền thờ khang trang.
Đây là một trong số những điểm du lịch tâm linh lâu đời nhất được người dân bản địa phương thờ cúng và ghé thăm mỗi dịp mùng 1 và ngày rằm, đặc biệt là vào LỄ HỘI ĐỀN HOÀNG CÔNG CHẤT vào tháng 2 âm lịch hàng năm.
Ở ngay giữa đền là Cây Đoàn Kết có tuổi thọ hơn 200 năm, tương truyền nó được trồng bởi thủ lĩnh Hoàng công Chất và 2 vị tướng Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh, cây gồm 3 loại cây là: cây đa, cây đề và cây si cùng trồng chung 1 gốc cuốn lấy nhau, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết giữa nhân dân miền xuôi và đồng bào miền ngược. Hơn 200 năm đã đi qua với bao thăng trầm của lịch sử, Cây Đoàn Kết vẫn đứng sừng sững giữa đất trời đại diện cho tinh thần đoàn kết các dâ tộc trên mảnh đất Mường Then lịch sử này.
Thành Bản Phủ hiện tại đã được tôn tạo từ một đoạn thành cũ. Chân thành rộng 15m, mặt thành rộng 5m, cao 15m, tường thành đắp bằng đất, dựa lưng vào sông Nậm Rốm. Trước kia ngoài thành có trồng 3 vạn gốc tre gai đem từ miền Tây Thanh Hóa lên nhưng nay chỉ còn 1 số gốc ở xung quanh. Trước kia thành có hào sâu rộng 4-5 thước nhưng nay đã không còn. Có thuyết nói rằng trên mặt thành ngựa, voi có thể đi lại được. Thành có các cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa có đồn cao và vọng gác, tất cả ngày nay đều được tôn tạo lại một phần.
Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ở trung tâm thành, thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân. Đền còn là nơi tín ngưỡng của nhân dân trong ngày rằm, đầu xuân năm mới, nhất là ngày lễ hội truyền thống vào các ngày 24, 25 tháng Hai âm lịch hàng năm.
Khuôn viên đền rất rộng lớn, sau khi làm lễ dâng hương ở điện chính, du khách có thể đi tản bộ quang đền, đặc biệt ở phía sau đền, đi ngang qua 2 hồ sen, có 1 ban thờ tín ngưỡng của đồng bào ta, và có gốc cây đa cổ gần 200 năm đã bị gió đánh gãy. Đây cùng là nơi bà con địa phương thờ cúng thường xuyên dâng hương. Sau ban thờ ở gốc đa gãy là view hướng nhìn thẳng ra sông Nậm Rốm rất đẹp.
Mở đầu phần lễ là các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như: Múa rồng, biểu diễn trống hội. Phần lễ diễn ra trang nghiêm với những nghi thức thiêng liêng được gìn giữ như: Rước kiệu, dâng hương, đọc chúc văn tưởng nhớ, tri ân công đức của vị thủ lĩnh Hoàng Công Chất và kêu gọi tinh thần đoàn kết các dân tộc.
Phần hội là các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc đến từ các đội văn nghệ quần chúng; tổ chức thi đấu các môn thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như: Đẩy gậy, kéo co, tung còn. Đặc biệt ngày này bà con các dân tộc khắp Mường Then cùng tập trung về đây tham dự phần hội với những đặc sản, trang phục truyền thống vô cùng thú vị.
Lễ hội đền Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ ngoài ý nghĩa hoạt động tín ngưỡng còn là sự kiện văn hóa nhằm duy trì và phát huy những tin hoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hòa dân tộc, khơi dậy tin thần đoàn kết giữa các dân tộc và cùng chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Địa chỉ: xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Việt Nam
Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc, nằm tại thành phố Sơn La, là một trong những chùa đẹp ở Tây Bắc có không gian tĩnh lặng và kiến trúc ấn tượng. Chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, nổi bật với không gian rộng lớn và các tượng Phật trang nghiêm. Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch tâm linh và muốn tìm kiếm sự bình yên.
Năm 2014, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La được thành lập. Năm 2015, UBND tỉnh đã cấp cho Ban Trị sự một khu đất rộng 14 hecta để xây dựng Trung tâm Hành chính - Văn hóa Phật giáo tỉnh - Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc.
Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 25/7/2015. Đến ngày 14/10/2017 (ngày 25 tháng 8 năm Đinh Dậu), Ban Trị sự đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành chùa giai đoạn 1. Đến dự và chứng minh buổi lễ có chư vị: HT. Thích Thanh Nhiễu, HT. Thích Quảng Tùng, HT. Thích Gia Quang, HT. Thích Thanh Đạt, TT. Thích Thanh Quyết, TT. Thích Thanh Tuấn cùng sự hiện diện đông đảo của chư Tôn đức Tăng Ni, đại diện chính quyền địa phương và hơn 5.000 Phật tử tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Các công trình đã hoàn thành gồm: cổng tam quan, ngôi chánh điện, văn phòng Ban Trị sự cùng một số công trình phụ khác.
Ngôi chánh điện uy nghiêm, rộng lớn được xây theo kiểu chữ “Đinh” nhưng với hai mái chồng diêm và các đầu đao cong vút trang trí đầu rồng. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, Phật Hoàng Trần Nhân Tông … cùng các ban thờ: Bồ tát Địa Tạng, Tôn giả Mục Kiền Liên, Hộ Pháp. Điều đặc biệt trong bài trí tượng thờ ở Phật điện chùa so với Phật điện nhiều ngôi chùa ở miền Bắc là chùa đặt thêm tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở hương án chính và có ban thờ Tôn giả Mục Kiền Liên.
Dù mới khánh thành giai đoạn 1, nhưng qua trang facebook: Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc, chùa đã tổ chức rất nhiều hoạt động tu học, như: khóa tu An Lạc, khóa tu bát quan trai giới, khóa An cư kiết hạ; tổ chức các buổi lễ: Đại lễ Phật Đản, đại lễ vía đức Phật A Di Đà, đại lễ Vu Lan báo hiếu, đại lễ kỷ niệm 710 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại núi Yên Tử, tết Trung Thu, lễ hằng thuận … cùng với các hoạt động giảng pháp, từ thiện xã hội.
Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc ngày nay là điểm chiêm bái mới của các đoàn hành hương Phật giáo khắp nơi đến vùng núi Tây Bắc nước ta.
Địa chỉ: bản Sẳng, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, Việt Nam
Số điện thoại: 0212 3909988 - 0982 292 292
Website: http://phatgiaosonla.com/
Email: truclamhungquoc@gmail.com - khaibaothich@gmail.com
Chùa Vặt Hồng là một trong những di tích lịch sử, văn hóa nổi bật tại Mộc Châu, Sơn La. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là điểm tham quan tâm linh hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm vùng đất này. Với vẻ đẹp cổ kính và không gian yên bình, Chùa Vặt Hồng thu hút du khách không chỉ vì giá trị lịch sử, mà còn bởi sự thanh tịnh và phong cảnh thiên nhiên xung quanh.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII, thời kỳ Phật giáo Việt Nam phát triển hưng thịnh trong cả nước. Kiến trúc của chùa giống với chùa ở miền xuôi, được làm bằng gỗ 3 gian, mái chảy lợp gianh. Chùa có chiều rộng 11,8m, chiều dài 12,7m. Có một hồ nước trồng thả hoa sen, do vậy nhân dân địa phương gọi là “Noong Bua”, nghĩa là ao sen. Trong chùa có 1 pho tượng lớn, 8 pho tượng vừa, 50 pho tượng nhỏ đều đúc bằng đồng, ngoài ra còn 2 pho tượng bằng thiếc và 1 pho tượng nhỏ bằng ngà voi.
Ngày xưa tại chùa Vặt Hồng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng bản Mường của người dân. Đặc biệt chùa thường tổ chức lễ hội, một năm hai lần, vào tháng 3-4 là lễ hội Xin Nước và vào tháng 5-6 là lễ hội Tắm Tượng. Những lễ hội này gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa, cầu may của cư dân sản xuất nông nghiệp. Thời điểm đó, chùa Vặt Hồng trở thành công trình kiến trúc quan trọng đối với các dân tộc Tây Bắc và được coi là biểu tượng của sự thịnh trị của xứ Thái. Phật giáo đã thấm đẫm tới từng bà con dân bản nơi đây. Chẳng thế mà những gì thuộc về ngôi chùa đều được bà con bảo vệ và giữ như vật thiêng.
Trải qua bao thăng trầm, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa cổ này cũng không tránh khỏi sự phá hoại của binh lửa điêu tàn. Rồi thời kỳ chiến tranh phá hoạt của đế quốc Mỹ (1965-1972) ngôi chùa bị bom đạn tàn phá nghiêm trọng chỉ còn là phế tích cho đến ngày nay.
Mỗi năm chùa Vặt Hồng mở hội 2 lần vào tháng 3-4 với lễ cúng “xin nước, cầu mưa” và vào tháng 5-6 với lễ rửa tượng, tắm tượng”. Ngoài mó chảy vào hồ sen, ở đây còn có mó nước dùng để tắm riêng cho tượng tại chùa. Đó là mó nước “Ta chaư” (nghĩa là nguồn nước từ trái tim).
Hiện nay, chùa Vặt Hồng chỉ còn lại phế tích. Một số tượng Phật của chùa đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Sơn La, số còn lại bị thất thoát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong khuôn viên chùa còn một tấm bia ghi danh nhân dân vùng Tây Bắc có công đức tôn tạo lại chùa. Bia làm bằng phiến đá xanh hình chữ nhật với kích thước cao 99cm, rộng 64cm, dày 14cm, mặt được mài nhẵn để khắc chữ. Bên trái khắc dọc 45 dòng chữ Thái, bên phải khắc dọc 15 dòng chữ Hán Nôm.
Năm 2016, di tích được xây tường bao quanh để bảo vệ tạm thời, phục vụ tín ngưỡng thờ Phật của nhân địa phương. Chùa Vặt Hồng được xếp hạ tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 27-2-2012.
Địa chỉ: bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Việt Nam
Đền Hang Miếng hay còn gọi là Đền Chúa Hang Miếng là một trong những khu di tích lịch sử nổi tiếng của huyện Vân Hồ, được UBND tỉnh Sơn La Công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào 08/1/2016. Đền tọa lạc trên đỉnh núi đầu rồng ven bờ sông Đà thuộc Bản Nà Bai, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ. Đền Chúa Hang Miếng là nơi thờ tự nữ anh hùng người dân tộc Mường Đinh Thị Vân.
Vào cuối mùa xuân năm 1431, sau khi dẹp xong giặc Đèo Cát Hãn ở Lai Châu, Lê Lợi cùng đoàn quân sĩ xuôi thuyền dọc Sông Đà để về Kinh đô, nhưng khi đến khúc sông ở Hang Miếng thì gặp trời mưa to, nước lũ dâng cao không thể xuôi qua. Biết vua và quân sĩ gặp nạn, bà Đinh Thị Vân, người Mường đã vận động nhân dân trong vùng quyên góp lương thực và cùng mọi người chèo thuyền vượt thác, ghềnh để đem lương thảo đến tiếp tế cho vua.
Sau nhiều chuyến chuyển lương thành công, đến chuyến cuối, giông bão nổi ầm ầm, thuyền của bà chở đầy lương chòng chành đã bị đắm ở khúc sông thuộc địa phận Hang Miếng, xác của bà đã trôi dạt vào vùng Thác Bờ. Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công lao của Bà, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ bà ở Hang Miếng. Dân gian gọi là: Đền Chúa Hang Miếng. Ở Thung Nai, nơi xác bà dạt về, người ta lập nên Đền Bà Chúa Thác Bờ cầu mong Bà che chở, phù hộ cho những chuyến xuôi ngược sông Đà.
Khi làm xong thuỷ điện, nước sông Đà ngập các thung lũng, 2 đền này trở thành điểm du lịch lý tưởng.
Đền Chúa Hang Miếng được quy hoạch với tổng diện tích gần 1 ha, được bao bởi lòng hồ sông Đà như một bán đảo nhỏ với cảnh quan rừng cây cối, tre trúc xanh tươi tạo nên một không gian sơn thủy hữu tình mát mẻ, yên tĩnh và linh thiêng.
Trải qua bao năm tháng, đến những năm đầu của thế kỷ XX, thực dân Pháp cho xây dựng và mở rộng lại đền. Tuy nhiên, sau khi Thủy điện Hòa Bình hoàn thành thì Hang Miếng và ngôi đền cũ đã bị ngập và bị bỏ hoang nhiều năm, chỉ còn sót lại một pho tượng Bà Chúa, một lư hương và một chiếc chuông đồng nhỏ. Năm 1988, sau khi chính quyền địa phương cho mở chợ phiên ở Hang Miếng, từ đó Đền chúa Hang Miếng cũng được khôi phục lại. Đến năm 1993, UBND xã Quang Minh đã cho phép ông Quách Công Toàn, một cựu chiến bính thời kháng chiến chống Pháp trông coi, quản lý, ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để trùng tu, tôn tạo lại Đền như ngày hôm nay. Sau nhiều lần đầu tư, tôn tạo đến nay, Đền đã được xây dựng khang trang. Đền được di chuyển xây dựng cách phế tích đền cũ khoảng 200m, với 3 cung thờ chính, đó là: Cung thờ bà chúa Đinh Thị Vân, Cung thờ phật và 1 cung thờ cộng đồng, bia dẫn tích và các công trình phụ trợ khác nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Ngày 18/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hàng Quyết định số 112/QĐ-UBND về việc công nhận Đền Chúa Hang Miếng là điểm du lịch văn hóa tâm linh. Điểm du lịch Đền Hang Miếng có môi trường tự nhiên như không khí, nguồn nước trong lành; các khu vực quảng bá, giới thiệu trao đổi, mua bán quà lưu niệm, các món ẩm thực dân tộc phục vụ nhu cầu sinh hoạt của du khách. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng các cấp, các ngành, Ban quản lý Đền được thực hiện nghiêm ngặt bảo đảm an toàn cho du khách đến thăm quan, tìm hiểu và cầu phúc xin lộc.
Địa chỉ: Bản Nà Bai, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Việt Nam
Di tích lịch sử - văn hóa Văn bia Quế Lâm Ngự Chế là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của vua Lê Thái Tông cùng quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn của vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ bình yên bờ cõi nước nhà.
Đền thờ vua Lê Thái Tông được xây dựng và khánh thành ngày 22/01/2003 có tên là “Quế Lâm linh từ” (Đền thiêng Quế Lâm). Đền được xây dựng trên diện tích 800m2 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ Việt Nam để tưởng nhớ tới công đức của nhà vua và các quân sĩ của ông.
Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng quốc gia năm 1994.
Di tích cũng chính là minh chứng ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng, oanh liệt của vị vua trẻ hùng tài, đại lược Lê Thái Tông cách đây gần 600 năm về trước, khi ông lần đầu tiên thân chinh dẫn quân lên miền biên giới Tây Bắc dẹp loạn quân phản nghịch Thượng Nghiễm ở châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu - Sơn La). Được sự ủng hộ của nhân dân và các dân tộc địa phương, quân triều đình nhanh chóng bắt được tên tướng phản nghịch Thượng Nghiễm, dẹp yên quân phản loạn, mang lại bình yên cho miền đất phên dậu phía tây Tổ quốc. Trên đường trở về Thăng Long, vua và quân sĩ có dừng chân nghỉ tại Động La (người dân địa phương còn gọi bằng một tên gọi khác là Thẳm Báo Ké). Đứng giữa đất trời bao la, trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với tầm nhìn xa trông rộng tài chiến lược và tâm hồn thi sĩ nhà vua đã cho quân sĩ khắc lên vách đá bài thơ chữ Hán và tựa đề gồm 140 chữ trong 14 dòng mang tên “Quế Lâm Ngự Chế”. Chính vì vậy, đền thờ vua Lê Thái Tông còn nhiều người biết đến với cái tên đền “Quế Lâm ngự chế”. Di tích này được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hoá Thông tin xếp bằng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ngày 5/2/1994.
Vua Lê Thái Tông (1428 - 1442) sinh ngày 20 tháng 11 năm Quý Mão, tên huý là Lê Nguyên Long, là con trai vua Lê Thái Tổ và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Lên ngôi năm 1433, ông đã sớm thể hiện tài năng trị vì đất nước. Sử sách ghi lại, vua Lê Thái Tông là người "hùng tài, đại lược, cương đoán", có công lớn trong việc củng cố chế độ, phát triển văn hóa, giáo dục và ổn định đất nước.
Từ khi lên ngôi, vua Lê Thái Tông chú trọng tới miền biên cương Tây Bắc, vua đã 2 lần thân chinh cầm quân lên dẹp loạn phản nghịch. Lần đầu vào tháng 3 năm Canh Thân (1440), vua Lê Thái Tông thân chinh cùng quân sỹ lên trấn Miền Tây đánh thổ quân phản nghịch tên là Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi (nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Tới đâu, đều được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, nên quân của triều đình nhanh chóng thu phục được Tù trưởng Mương Muổi là Thượng Nghiễm, dẹp yên quân phản loạn.
Trên đường về, vua cùng quân sĩ nghỉ chân tại Động La (hang Thẳm Báo Ké hay còn gọi là hang Trai Già, ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La ngày nay). Thấy nơi đây cảnh đẹp, trong tâm trạng thanh thản, phấn chấn, nhà vua đã cho khắc trên vách đá Động La bài thơ chữ Hán, bút tích của vua Lê Thái Tông gọi là văn bia “Quế Lâm ngự chế”.
Lần thứ hai, đúng 1 năm sau, tháng 3 năm 1441, vua Lê Thái Tông lại chỉ huy quân sĩ lên dẹp loạn nghịch Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi, được nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ. Vì vậy, quân của triều đình nhanh chóng bắt được tướng Ai Lao là Đạo Mông và vợ con hắn tại động La. Đồng thời, bắt 2 con trai của Thượng Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Thượng Nghiễm ra hàng và chịu tội. Dải đất biên cương phía Tây của Tổ quốc được bình yên.
Văn bia Quế Lâm ngự chế là một di tích có giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử vùng đất phên dậu của Tổ quốc. Di tích được phát hiện năm 1965 và được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994. Để ghi nhớ công lao của đức vua cùng quân sỹ, tỉnh Sơn La xây dựng Đền thờ vua Lê Thái Tông, khánh thành năm 2002, lấy tên là “Quế Lâm linh từ” (Đền thiêng Quế Lâm).
Nằm trên thế đất địa linh “sơn kỳ thủy tú”, đền thờ vua Lê Thái Tông tựa lưng vào núi Cằm tạo nên sự vững chắc, uy nghiêm, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa. Ngôi đền có diện tích hơn 800m2, theo lối kiến trúc truyền thống của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả, hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung…
Ở sân đền có rất nhiều tượng voi, ngựa gắn với những trận truy đuổi quân phiến loạn. Ông Đỗ Minh Chính, là 1 trong những người con của TP Sơn La, có vinh dự được tham gia vào đội đắp phù điêu voi, ngựa ở sân đền. Từng nét chạm khắc, tạo hình cho ngôi đền đều được ông làm với sự tỉ mỉ chau chuốt vốn có của người làm nghề, nhưng quan trọng hơn là cái tâm của ông muốn gửi gắm để tri ấn đối với vị vua vì nước vì dân: "Ban đầu khi mới bắt tay vào làm, tôi thực sự lo lắng, bởi mỗi 1 ông voi, ngựa lại phải tương ứng với tầm cỡ và cách đứng của mỗi 1 vật linh thiêng. Sau đó, tôi cũng tìm hiểu qua sử sách và nghiên cứu kỹ 1 số di tích trong nước để quyết định đắp 2 ông voi, ông ngựa như thế này, thể hiện được sự uy nghi hùng tráng. Tôi tự hào vì tâm huyết của mình đã được đền đáp".
Đền vua Lê Thái Tông có tòa đại bái gồm 3 cửa, bên trong có 3 ban thờ chính và 2 ban thờ phụ, mỗi ban thờ đều có bức võng, ân thư, đồ thờ, hoành phi câu đối được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí tứ linh: Long, Li, Quy, Phượng và Hổ phù... là những con vật gắn với tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Cung giữa thờ “Hội đồng triều Lê”, hai bên đặt bộ bát bửu và chấp kích, biểu tượng cho những báu vật linh thiêng của vị thần trong ngôi đền, giúp cai quản miền đất thiêng và ban phát tài lộc cho du khách hành hương. Cung tả (bên trái) thờ đương cảnh thành hoàng Lê Thái Tông. Cung hữu (bên phải) thờ “Sơn thần bản thổ” là các vị thần linh được giáng xuống cai quản miền đất thiêng. Hậu cung đặt tượng vua Lê Thái Tông và bài vị thờ Ngài.
Địa chỉ: Tổ 3, đường Lê Thái Tông, phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Việt Nam
Di tích đền thờ Hai Bà Trưng Sơn La Tự Túc là một trong những địa danh lịch sử quan trọng, gắn liền với truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đền thờ Hai Bà Trưng, tọa lạc tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, là nơi tưởng niệm công lao của Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của quân Hán vào thế kỷ I.
Đây không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Sơn La. Mỗi năm, đền thờ thu hút hàng nghìn du khách và người dân địa phương đến tham quan và dâng hương tưởng nhớ hai bà, những người đã cống hiến cả cuộc đời vì độc lập tự do của dân tộc.
Theo thần phả và sắc phong hiện đang lưu giữ tại đền thờ Hai Bà Trưng ở bản Nam Tiến thì đền thờ được xây dựng năm Tự Đức thứ 6 (1852) tại thôn Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1973, do sông Hồng có sự thay đổi dòng chảy, hiện tượng sụt lở đất đe dọa toàn bộ diện tích đất canh tác và khu dân cư của hai làng; Nại Xã và Nam Chân, trong đó có cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng, chính quyền và nhân dân địa phương đã di chuyển toàn bộ đền thờ về thôn Tân Tiến, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Năm 1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc, nhân dân thôn Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng chuyển đến định cư vùng kinh tế mới tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Để đáp ứng nguyện vọng đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân, tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp kinh phí chuyển toàn bộ đồ nội thất, đồ thờ cúng của đền thờ Hai Bà Trưng từ thôn Tân Tiến, xã Hồng Hà lên bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Năm 2004, chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã Chiềng Khương đã tổ chức quyên góp, ủng hộ công sức, tiền của để xây dựng lại đền thờ Hai Bà Trưng. Khu đến được xây dựng mới bằng gạch trên nền đất cũ, Hiện nay diện tích phần xây dựng toàn bộ ngôi đến khoảng 1.500m².
Di tích đền thờ Hai Bà Trưng ở bản Nam Tiến hiện còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn bộ đồ thờ tự của đền thờ gốc tại thôn Nại Xã, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, gồm 50 hiện vật làm bằng các loại chất liệu, như: gỗ, đồng, sành, sứ, giấy. Những hiện vật này có niên đại khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Đền thờ Hai Bà Trưng là một di tích có giá trị lịch sử - văn hóa chứng kiến những thay đổi lớn lao của nhân dân xã Hồng Hà trong lịch sử. Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 11-11-2011.
Ngoài giá trị lịch sử, đền thờ Hai Bà Trưng Sơn La còn mang đậm giá trị văn hóa tâm linh. Đền thờ là nơi tổ chức các lễ hội lớn trong năm, đặc biệt là lễ hội vào dịp mùng 6 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng niệm Hai Bà Trưng mà còn là cơ hội để người dân Sơn La và du khách hiểu rõ hơn về các phong tục truyền thống của người Mông và các dân tộc thiểu số tại Tây Bắc.
Trong không gian linh thiêng của đền thờ, các nghi lễ được thực hiện trang trọng với các bài khấn, dâng hương, thắp đèn, cầu mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc cho cộng đồng. Đây cũng là dịp để du khách tham gia vào các hoạt động văn hóa, thưởng thức những món ăn đặc sản Sơn La, nghe các câu chuyện lịch sử và truyền thuyết về Hai Bà Trưng.
Hiện nay, Đền thờ vẫn lưu giữ tương đối nguyên vẹn bộ đồ thờ tự của đền thờ gốc, gồm 50 hiện vật làm bằng các loại chất liệu: Gỗ, đồng, sành, sứ, giấy. Những hiện vật này có niên đại khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Để gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hoá, Đền thờ được trùng tu, tôn tạo khang trang với diện tích 522m2.
Lễ hội Dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng diễn ra gồm phần lễ và phần hội. Phần Lễ, có lễ rước nước và lễ dâng hương. Lễ rước nước với sự tham gia của các đội xênh tiền, bê lễ, đội cờ, đội chấp kích, trống khẩu, rước chóe lấy nước, rước cỗ kiệu dựng lễ, đội tế, dâng hương.
Phần dâng hương diễn ra các hoạt động đánh trống khai hội, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công đức to lớn của Hai Bà Trưng trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước; báo cáo những kết quả tiêu biểu của huyện đạt được trong thời gian vừa qua; biểu diễn văn nghệ, võ thuật, múa lân sư rồng, trống hội.
Phần hội với các trò chơi truyền thống, như: Đấu vật, kéo co, cờ tướng, thi nấu cơm, ném còn, thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham quan.
Lễ hội Dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, tạo điểm nhấn, đưa di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Địa chỉ: Quốc Lộ 4G, Chiềng Khương, Sông Mã, Sơn La, Việt Nam
Tổng hợp từ Internet.