Bánh Phồng Sữa Dừa (Bến Tre)

Bánh phồng sữa dừa hay bánh phồng sữa, bánh tráng sữa là những tên gọi của món bánh đặc sản ở Bến Tre. Ngoài kẹo dừa, người dân còn dùng dừa để làm bánh, tạo nên món ăn nổi tiếng gần xa.

Bánh phồng sữa dừa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng,… Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm) cùng nhiều cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre hiện nay có sản xuất loại bánh phồng sữa đặc biệt này.

Để có chiếc bánh phồng chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng làm bánh ngon nhất thiết phải là loại nếp đặc trưng của Bến Tre – gạo nếp sáp (gạo có hương vị tự nhiên, thơm nhiều, dẻo dính). Dừa dùng để lấy nước cốt làm bánh chỉ chọn loại dừa mới khô. Gạo nếp mua về đem ngâm vài tiếng đồng hồ để làm mềm, sau đó vo sạch mang hấp cách thủy cho nếp chín. Nếp vừa chín tới cho vào cối giã nhuyễn cùng nước cốt dừa, đường, nêm nếm sao cho vừa ăn. Ngày nay, người ta thường sử dụng máy thay cho cối giã.

Bánh phồng ngon hay không tùy thuộc người trở bột, phải trở đều, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn, bánh khi nướng mới nở và xốp. Sau khi bột được trộn đều và nhuyễn thì bắt đầu khâu cán bánh. Khi cán bánh, người bọc bột phải bóc đều cho từng viên bột có khối đều nhau, phải thật khéo léo để bánh tròn đều và mỏng. Bánh cán xong sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Phơi bánh phồng cũng là một sự kỳ công và tỉ mỉ, phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nếu được nắng bánh phồng phơi khoảng nửa ngày đã khô.

Bánh phồng sữa khi dùng có thể dùng trực tiếp hoặc nướng trên lửa than hồng, lò điện, hoặc cắt nhỏ ra chiên với dầu. Bánh được đóng gói đẹp mắt, bảo quản dễ và để được lâu, lưu giữ đúng vị thơm ngon đặc trưng truyền thống nên được đông đảo mọi người mua làm quà biếu cho người thân và bạn bè.

Nguồn: Tổ chức Top Việt Nam

Chia sẻ:

Bài viết khác