Cá lóc đồng nướng trui (Hậu Giang)

Cá lóc nướng trui là một trong những món ngon trứ danh ở các tỉnh miền Tây, đặc biệt là ở Hậu Giang. Món cá nướng này được xem là “quốc hồn quốc túy” của người dân miệt sông nước. Bởi để chế biến nên một món cá ngon đúng điệu, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như chọn cá, chọn rơm, cách nướng và các nguyên liệu ăn kèm.

Loại cá lóc được chọn nướng trui là cá lóc đồng vì thịt ngọt, chắc và khi ăn không bị tanh. Để làm món nướng nổi tiếng này, cá được rửa sơ cho sạch, không cần phải đánh vảy hay cạo nhớt. Mục đích giữ lại lớp vảy là để giữ lớp thịt cá bên trong còn nguyên khi nướng chín. Cá trước khi nướng sẽ được xiên thẳng một que tre từ miệng cá xuống thẳng đuôi cá rồi cắm ngược xuống đất.

Công đoạn nướng cá là quan trọng nhất vì nếu không khéo cá có thể bị cháy sém hoặc ngược lại, cá sẽ còn sống, mùi tanh, ăn không được. Những người nông dân chính hiệu chia sẻ rằng, rơm chọn nướng cá phải là loại rơm khô, vàng óng và sạch. Như vậy cá chín mới ngọt và có hương thơm hấp dẫn. Thông thường, người ta sẽ phủ đầy rơm khô lên những con cá lóc rồi đốt lửa nướng. Lượng rơm sẽ tùy thuộc vào số lượng cá mỗi lần nướng, không có quy định cụ thể.

Theo kinh nghiệm của người miền Tây, món nướng này muốn ngon chỉ cần nướng khoảng 10 – 15 phút, tùy vào độ lớn nhỏ của cá. Khi nghe mùi cá chín dậy lên, thơm nồng là lúc dừng đốt rơm để lấy cá ra. Cá lóc nướng trui thành phẩm thường có lớp vỏ ngoài đen do vảy cá cháy khét. Người ta sẽ dùng dao hoặc rơm khô cạo lớp vỏ này bỏ đi, sau đó rạch một đường ở giữa xương sống cá, để lộ ra những thớ thịt mềm, trắng và thơm phức.

Cá lóc nướng trui khi chín được phết thêm một lớp mỡ hành để tăng độ béo cho thịt cá. Món nướng này thường được ăn kèm với bún cuốn bánh tránh cùng các loại rau sống, dưa leo, xoài chua. Nước chấm ăn cùng món nướng này là mắm tỏi ớt hoặc mắm me. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận vị chắc ngọt của thịt, hòa quyện với vị thanh mát của các loại rau và sau cùng là vị mặn mặn, ngọt ngọt đến từ nước chấm.

Nguồn: Tổ chức Top Việt Nam

Chia sẻ:

Bài viết khác