Canh rêu suối (Sơn La)

Ở các tỉnh vùng cao miền Tây Bắc, vào những ngày trời ấm áp, đi dọc bờ suối sẽ thấy những đám rêu xanh dài óng mượt bập bềnh theo dòng suối. Rêu suối được xem là món ngon trời ban và là một trong những nét đẹp của văn hóa ẩm thực vùng Tây Bắc.

Thiếu nữ Thái hái rêu bên suối (ảnh: internet)
Thiếu nữ Thái hái rêu bên suối (ảnh: internet)

Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước. Người Thái từ lâu đã coi rêu là một loại món ăn ngon. Mùa rêu mọc, cả bản Thái cùng ra suối lấy rêu về phơi khô ăn dần hoặc chế biến thành món ăn truyền thống, đặc biệt là trong các lễ hội, cưới hỏi, làm nhà mới…

Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây. Người dân chọn ngày đẹp trời, lúa thóc đầy bồ, cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội. Với tâm ý, rêu là của trời, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc, hái được ít sẽ có ít tài lộc nên ai cũng đi và hái rêu rất nhiều tích trữ ăn cả năm.

Rêu đá sau khi được đập và bỏ tạp chất còn lại màu xanh rất tươi mắt (ảnh: internet)
Rêu đá sau khi được đập và bỏ tạp chất còn lại màu xanh rất tươi mắt (ảnh: internet)

Việc đập rêu loại bỏ tạp chất tương đối nhọc. Các đám rêu ngậm nước nhiều khi nhấc ra khỏi mặt nước nặng trĩu tay, phải để từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ. Sau đó là công đoạn đập, để những cục rêu lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất, phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên. Rồi tỉ mỉ tẽ từng lớp rêu nhặt sạn đá rễ lá cây bị dính vào đó, và rửa thật sạch. Tất cả khoảng ba lần đập và ba lần rửa. Rêu sạch được cắt thành đoạn ngắn để chế biến thành nhiều món như rêu nướng, nộm rêu, canh rêu tươi,… Việc chế biến rêu được xem là thước đo tình yêu tình thương của phụ nữ Thái dành cho người yêu, người chồng người cha của mình.

Các món chế biến từ rêu suối khá đa dạng. Ngoài các món Rêu nướng, Nộm rêu,.. thì canh rêu tươi là món ăn công phu và sang trọng nhất. Rêu được nấu với nước canh xương lợn hầm hoặc luộc gà, với thịt nạc băm nêm gia vị và ăn nóng. Món canh rêu không chỉ thơm mát mà còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe con người. Rêu có nhiều tác dụng như giúp hoạt huyết, giải độc, thanh nhiệt, chống cao huyết áp. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu chống được ngã nước, mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Người đi rừng khi uống nước mưa nước suối, ăn rêu sống hoặc rêu nướng sẽ chịu được cái lạnh, chướng khí sơn lâm. Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ máu và là các món ăn tốt cho những ai muốn ăn kiêng.

Món canh rêu suối tươi mát luôn khiến người ăn nhớ mãi không quên (ảnh: internet)
Món canh rêu suối tươi mát luôn khiến người ăn nhớ mãi không quên (ảnh: internet)

Canh rêu suối là một món ngon mà bất kỳ du khách nào cũng nen một lần nếm thử khi đến Sơn La để có thể hiểu thêm về văn hóa ẩm thực địa phương nói riêng cũng như văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung.

Nguồn: Trung tâm Top Việt Nam

Chia sẻ:

Bài viết khác