Những tác dụng bất ngờ của quả cau trong y học cổ truyền

Quả cau quen thuộc được xem là loại dược liệu rất hữu ích, đặc biệt trong điều trị giun sán, đau bụng hay bệnh sốt rét.

Cau là loại quả rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Quả cau tách vỏ, kết hợp cùng lá trầu không và chút vôi tôi là món ăn vặt không thể thiếu với các bà, các cô thời xưa. Trầu cau cũng là những vật không thể thiếu trong các ngày lễ Tết, các đám hỷ, đám hiếu của người Việt. Chẳng thế mà từ lâu, hình ảnh lá trầu, quả cau đã đi vào những bài ca dao, những bài thơ cổ của người Việt và trường tồn đến tận bây giờ.

Không chỉ là loại quả tượng trưng cho văn hóa, cau còn được dùng làm thuốc trong Đông y. Cuốn sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Khoa học và kỹ thuật), nơi tập hợp nhiều nghiên cứu của các chuyên gia dược học, y học cổ truyền hàng đầu Việt Nam đã chỉ ra rất nhiều công dụng chữa bệnh của quả cau.

Theo đó, trong y học cổ truyền, hạt cau có vị đắng, chát, tính ôn, vào các kinh tỳ, vị, đại tràng có tác dụng diệt trùng, tiêu tích, hành khí, lợi thủy. Hạt cau và hoạt chất arecolin (hoạt chất chính trong hạt cau) thường được dùng làm thuốc trị bệnh giun sán cho gia súc, gia cầm. Như đối với chó thì liều dùng trị sán của hạt cau là từ 4 đến 10g hoặc arecolin bromhydrat là từ 1 đến 15mg tùy theo.

Đối với người, hạt cau phối hợp với hạt bí ngô dùng làm thuốc diệt sán. Cách dùng như sau: Sáng sớm lúc đói bụng ăn từ 60 đến 120g hạt bí ngô cả vỏ hoặc từ 40 đến 100g hạt đã bóc vỏ. Hai giờ sau, uống nước sắc hạt cau với liều 30g cho trẻ em dưới 10 tuổi, từ 50 đến 60g cho phụ nữ và đàn ông bé nhỏ và 80g cho người lớn. Cách chế nước sắc hạt cau: đun với 500ml nước, sắc đặc đến khi còn khoảng 150 đến 200ml. Nhỏ dung dịch gelatin 2.5% để kết tủa hết tanin, sau đó lắng gạn và lọc, tiếp tục đun sôi cho đến khi còn khoảng 100 đến 150ml. Uống hết một lần. Sau khi dùng nước sắc hạt cau nửa giờ, uống một liều thuốc tẩy (magie sulfat 30g). Nằm nghỉ đợi thật buồn đi ngoài rồi đại tiện trong một chậu nước ấm, nhúng cả mông vào. Chú ý trước khi đun sôi, ngâm nước hạt cau sẽ có tác dụng hơn khi không ngâm nước. Dung dịch 1% arecolin bromhydrat có tác dụng gây thu nhỏ đồng tử mạnh, có thể dùng làm thuốc hạ nhãn áp trọng bệnh glôcôm, nhưng hiện nay ít dùng do có tác dụng phụ kích thích giác mạc.

Theo dược điển Trung Quốc, có hai loại vỏ cau gồm đại phúc bì (thu hái từ quả chưa chín, bỏ vỏ xanh ngoài) và đại phúc mao (thu hái từ quả chín, bỏ vỏ ngoài). Trong đó, đại phúc bì có vị cay, tính hơi ôn, vào năm kinh tỳ, phế, vị, đại tràng, tiểu tràng có tác dụng hạ khí, khoan trung, hành thủy, tiêu thũng. Đại phúc bì chữa thấp trở, khí trệ, phù toàn thân, bụng đầy trướng, đại tiện không thông, tiểu tiện khó khăn. Liều thường dùng là từ 6 đến 9g, sắc uống cùng nhiều vị thuốc khác.

Một số bài thuốc có cau trong y học dân gian:

  • Chữa ngoại cảm phong hàn, nội thương thấp trệ, tức ngực, bụng đau, nôn mửa, miệng nhạt: đại phúc bì, bạch chỉ, tử tô, phục linh mỗi thứ 30g; bán hạ, bạch truật, trần bì, hậu phác, cát cánh mỗi thứ 60g cùng hoắc hương 90g, cam thảo 70g. Tất cả nghiền thành bột, uống mỗi lần 6g, hoặc sắc uống cho thêm 3 lát gừng sống và 1 quả đại táo.
  • Trục giun đũa: dùng 21 hạt cau tán mịn, nhịn ăn, chia uống làm 2 đến 3 lần trong một ngày với nước sắc vỏ quả cau (theo Bách gia trân tàng của Hải Thượng Lãn Ông).
  • Xổ sán xơ mít: buổi sáng, lúc đói, ăn từ 40 đến 100g hạt bí đỏ đã bóc vỏ. Sau đó 2 giờ, uống nước sắc hạt cau với liều từ 50 đến 80g tùy người, đun với 500ml nước đến khi còn 150ml. Uống một lần, sau đó nửa giờ uống một liều thuốc tẩy. Nằm nghỉ, đợi khi buồn đi ngoài thì đi vào một chậu nước ấm.
  • Chữa sốt rét: hạt cau 2g, thường sơn 6g, thảo quả 2g, cát căn 4g, tất cả sắc với 600ml nước đến khi còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa khó tiêu, bụng đầy trướng: hạt cau 10g, sơn tra 10g, sắc nước uống.
  • Chữa đau bụng vì táo bón, kiết lỵ mót rặn, đi cầu khó: hạt cau 10g, đại hoàng 8g, mộc hương 6g, tất cả sắc uống.
  • Chữa phù thũng, đại tiểu tiện không thông, bụng trướng: hạt cau 15g, trạch tả 15g, đại hoàng 8g, mộc thông 6g, sắc uống. Hoặc có thể dùng vỏ quả cau 10g, vỏ nấm phục linh 15g, mộc thông 6g, sắc uống.
  • Chữa trẻ em bị chốc đầu: dùng hạt cau mài lấy bột hòa với dầu mè mà bôi.
  • Cầm máu: lấy bột hạt cau rắc lên vết thương.
  • Chữa liệt dương: rễ cau nổi (rễ màu trắng mọc lộ ra trên mặt đất) từ 20 đến 30g cắt nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Theo vtv.vn

Chia sẻ:

Bài viết khác