Tân Định xưa vốn là thôn mới hình thành từ cuộc hồi cư của người dân Việt sau khi Pháp chiếm Gia Định năm 1859; mang cả nét Việt lẫn nét Pháp trong sinh hoạt lẫn kiến trúc…
Mặt tiền chợ Tân Định (được xây dựng từ năm 1926 - thuở đầu được mệnh danh là chợ nhà giàu, vì ba mặt còn lại của chợ là nơi đậu xe hơi của khách hoặc xe ngựa)
Thoạt nhìn cảnh, người ta dễ nghĩ đây là khu vực dân cư ảnh hưởng văn hóa Pháp với hai công trình đến nay cả trăm năm: nhà thờ Tân Định và chợ Tân Định; gần như đối diện nhau trên đường Hai Bà Trưng (TP.HCM).
Trong đó, nhà thờ Tân Định có lẽ một trong những công trình đẹp nhất thành phố; khởi công năm 1870 và hoàn thành ngày 16-12-1876; mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí.
Nhìn phía trước nhà thờ, người ta có thể thấy tòa tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp là chóp hình bát giác với cây thánh giá bằng đồng cao 3m. Trong tháp có 5 quả chuông, nặng tổng cộng 5,5 tấn. Bên trong thánh đường khá bề thế với hai hàng cột Gothic dẫn tới bàn thờ chính. Hàng cột bên trái các tượng thánh nữ, bên phải các tượng thánh nam.
Còn chợ Tân Định xây dựng sau 50 năm, 1926; một trong những ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn với nét nổi bật khi mặt trước được thiết kế ba tháp chuông, một tháp nằm giữa, hai tháp hai bên...
Tháp chuông ở giữa vẫn còn giữ được quả chuông xưa và đồng hồ cổ ở trên cổng chợ.
Chợ Tân Định xưa nay có tiếng là chợ nhà giàu với nhiều món hàng giá cao hơn các chợ khác một chút. Bù lại, hàng về chợ gì cũng tươi ngon và chất lượng.
Hai bên có bãi đậu xe hơi, phía sau là bến xe ngựa mang tên là đường Mã Lộ.
Đằng sau chợ Tân Định là con đường Mã Lộ, cũng hình thành từ lâu đời. Con đường dài 105m, giới hạn bởi đường Bà Lê Chân - Nguyễn Hữu Cầu. Cái tên Mã Lộ có từ khi đường ra đời năm 1928. Đúng như cái tên,ngày xưa đường cho xe ngựa đi hoặc chỗ để đổ xe ngựa chuyên chở hàng hóa tạm dừng nghỉ ngơi lúc đang bốc dở hàng hóa. Sau đó, khi các loại xe động cơ được nhập về, hình ảnh những cỗ xe ngựa chở người chở khách dần lui vào dĩ vãng, nhưng cái tên Mã Lộ vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ.
Thế nhưng, ẩn sau vẻ Tây ấy, thật thú vị khi đến nay, khu này vẫn còn tràn ngập nét Việt xưa…
Sau chợ Tân Định ngày nay vẫn còn một con đường tên Mã Lộ: đường (dành cho) ngựa, một trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn. Cách đây 50, 60 năm, đường còn là bến xe ngựa chở khách đi chợ Tân Định hoặc chở hoa tết từ Gò Vấp lên.
Lúc đó, hàng chục chiếc xe ngựa chờ khách trên đường Mã Lộ; mỗi xe có thể chở tối đa 6 người ngồi co chân đối mặt nhau .Cách đường Mã Lộ khoảng 500 mét, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc, phía trước đình Xuân Hòa (nay thuộc phường 8, quận 3) xưa là bến Tắm Ngựa. Cứ giữa trưa, khi vắng khách, các chủ xe ngựa thường chạy xe từ đường Mã Lộ sang đây, dẫn ngựa xuống bến tắm…
…Sáng 15-2 (30 tết), đi trong chợ Tân Định nhộn nhịp xe cộ ngày giáp tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi không khỏi bồi hồi về chốn cũ cảnh xưa – nơi giao thoa hai nền văn hóa Việt – Pháp của khu Tân Định. Như mới hôm nào còn nghe tiếng xe ngưa lóc cóc chở đầy ắp những cánh hoa tết rực rỡ từ làng hoa Gò Vấp đưa về…
Đường Nguyễn Hữu Cầu bên hông chợ Tân Định sáng 15-2-2018 (30 tết), thời Pháp đây là nơi đậu xe hơi đi chợ - Ảnh: M.C
Dãy hàng quán trước chợ Tân Định xưa
Tân Định là tên thôn mới lập từ hai thôn cũ là Xuân Hoà và Phú Hòa. Do đó, trên vùng đất Tân Định còn hai di tích mang dấu ấn hai thôn xưa cũ này: đình Xuân Hòa và đình Phú Hòa.
Cổng Đình Xuân Hòa
Bên trong Đình Xuân Hòa
Mặt trước Đình Phú Hòa - Mặt tiền đình Phú Hòa đã được địa phương cấp sổ đỏ cho một hộ dân làm cơ sở kinh doanh.
Mặt sau Đình Phú Hòa - Đất mặt tiền đường Bà Lê Chân bị 5 ki-ốt lấn chiếm
Đình Xuân Hòa ở 129 Lý Chính Thắng (P.7, Q.3), còn đình Phú Hòa ở 159 Trần Quang Khải (P.Tân Định, Q.1). Cả hai đều có bộ khung nhà gỗ, mái lớp ngói âm dương; trang trí đỉnh mái bằng những tượng gốm men màu rất mỹ thuật: lưỡng long tranh châu, cá hóa long…
Cả đình Xuân Hòa và đình Phú Hòa đều còn lưu giữ được chiếc bình phong chạm hình Ông Hổ uy nghi trước cổng đình.
Giống như hầu hết ngôi đình ở Nam Bộ, đình Xuân Hòa và đình Phú Hòa đều thờ thần thành hoàng bổn cảnh phù hộ cư dân thôn làng. Ngoài ra, cả hai đình còn thờ phụng thêm nhiều vị thần thánh dân gian: Ngũ hành nương nương, Quan thánh đế quân, Bạch mã thái giám…
Tân Định còn có 4 ngôi đình cổ khác: Sơn Trà (113A Nguyễn Phi Khanh), Nghĩa Hòa (124 Trần Quang Khải), Phú Hòa Vạn (4 Trần Quang Khải), Nam Chơn (29 Trần Quang Khải).
Đình Sơn Trà và đình Nam Chơn vốn là hai ngôi đình của cư dân xứ Quảng Nam, Đà Nẵng mang theo vào đất Gia Định từ những năm 1860, sau khi vùng đất này đã thuộc về tay người Pháp. Đình Phú Hòa Vạn là ngôi đình của cư dân sống với nghề chài lưới dựng lên làm nơi gửi gấm tâm linh.
Riêng đình Nghĩa Hòa thờ Quan thánh đế quân (thần thành hoàng) được những cư dân Quảng Ngãi dựng lên để phù hộ nghề phục vụ bàn ở các nhà hàng Tây tại Sài Gòn lúc đó, nên đình còn có tên gọi là chùa Dọn Bàn.
Tân Định ngày trước còn nổi tiếng với chùa Cô Hồn (188 Trần Quang Khải) có lễ cúng cô hồn rất linh đình, diễn ra suốt 3 ngày đêm dịp rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, có rước Ông Tiêu và nghi thức Tống Bè (thả thuyền cúng đầu heo trôi sông) rất lớn.
Theo thời gian, ngày nay chỉ còn 3 ngôi đình duy trì được hoạt động văn hóa tâm linh: Nam Chơn, Phú Hòa và Xuân Hòa.
Đình Nam Chơn tọa lạc ở số 29 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn tham khảo: tuoitre.vn, nld.com.vn và nhacxua.vn